Chuyên gia chỉ rõ nguy cơ ung thư từ tấm lợp khá phổ biến tại các vùng quê

PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế cho biết, theo WHO, 80% các trường hợp ung thư trung biểu mô có liên quan tới amiăng và cứ thêm 1kg amiăng được sử dụng trên bình quân đầu người một năm thì số trường hợp mắc ung thư tăng gấp 2,4 lần.

Đây là chất gây ung thư nghề nghiệp độc hại nhất với hơn một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp.

Ngày 8/1, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Môi trường và Sức khỏe: Sự độc hại của amiăng trắng trong tấm lợp fibro – ximăng do Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng phối hợp với Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Hàng trăm nghìn ca tử vong mỗi năm vì amiăng

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trái đất của chúng ta ngày càng hiện hữu nhiều mối nguy hại về môi trường sống ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng. Những mối nguy hại này chủ yếu đều do con người tạo nên trong quá trình chinh phục thiên nhiên, cải tạo xã hội, tạo lập đời sống, duy trì và cải thiện cuộc sống của mình.

Theo các chuyên gia, tấm lợp fibro - xi măng trong đó có hợp chất amiăng là vật liệu được sử dụng rất rộng rãi từ thế kỷ 19. Tuy nhiên, có những khuyến cáo nói rằng, hít phải các sợi amiăng có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng và gây tử vong, bao gồm ung thư phổi, u trung biểu mô, bụi phổi amiăng. Có tài liệu, ước tính hiện amiăng gây ra 255.000 ca tử vong mỗi năm. Vì thế mà hoạt động thương mại và sử dụng amiăng đã bị hạn chế rất nhiều, bị loại bỏ hoặc bị cấm hoàn toàn ở một số quốc gia, bao gồm Liên minh Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hồng Kông…. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang phát triển vẫn sử dụng amiăng làm vật liệu xây dựng.

Ở Việt Nam chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều loại vật liệu xây dựng chứa hợp chất độc hại này. Trong đó tấm lợp fibro-xi măng đang có một khối lượng lớn hiện có trong mọi vùng miền đất nước, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Thực hiện Quyết định 1469/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tại Khoản 4, Điều 1 Thủ tướng đã chỉ đạo: Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới chấm dứt việc sử dụng sợi amiăng trắng trong sản xuất vật liệu lợp.

Để làm rõ hơn, sâu hơn về tính nguy hại của hợp chất amiăng trong tấm lợp fibro- xi măng, từ đó giúp các cơ quan chức năng có những chính sách, kế hoạch, chương trình cụ thể để hoá giải thực trạng này ở Việt Nam và thực hiện nghiêm chỉ đạo của thủ tướng Chính phủ, chúng ta cần phải có những thông tin khoa học, chuẩn mực, sâu sắc về vấn đề này. Đồng thời có những khuyến cáo, giải pháp cần thiết để hướng dẫn cộng đồng phòng tránh sự tác động xấu đến sức khỏe của amiăng"- ông Hồ Quang Lợi nói.

Tất cả các loại amiăng đều là chất gây ung thư cho người
 

Các chuyên gia cho biết, 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn đứng ở vị trí thứ 5 trong top 10 nước sử dụng amiăng, chất gây ung thư nhiều nhất thế giới. Amiăng vẫn đang len lỏi, tồn tại khá phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là thực trạng báo động…

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế, sự độc hại của amiăng đối với sức khỏe con người đã được Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về ung thư có đủ bằng chứng cho thấy tất cả các dạng amiăng, trong đó có amiăng trắng đều là chất gây ung thư cho con người. Điển hình là ung thư trung biểu mô, ung thư phổi, ung thư thanh quản ung thư buồng trứng, bệnh phổi amiăng...

Chuyên gia chỉ rõ nguy cơ ung thư từ tấm lợp khá phổ biến tại các vùng quê - 1

WHO tái khẳng định tác hại gây ung thư của amiăng, trong khi Việt Nam vẫn sử dụng lượng lớn vật liệu này. Đồng thời khuyến nghị cấm hoàn toàn sử dụng mọi dạng amiăng. Đây là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan đến chất này. Ảnh minh họa.

 WHO cảnh báo, mỗi năm có hơn 100.000 người tử vong do các bệnh liên quan tới phơi nhiễm amiăng và 1,5 triệu người phải sống chung với bệnh tật do amiăng gây ra. 80% các trường hợp ung thư trung biểu mô có liên quan tới amiăng và cứ thêm 1kg amiang được sử dụng trên bình quân đầu người một năm thì số trường hợp mắc ung thư tăng gấp 2,4 lần. Đây là chất gây ung thư nghề nghiệp độc hại nhất với hơn một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp.

Trong khi đó, tại Việt Nam, mặc dù chúng ta đã cấm sử dụng amiăng xanh và nâu (năm 2004), đề xuất cấm sử dụng amiăng trắng vào năm 2023 nhưng lượng amiăng được sử dụng hàng năm vẫn có khoảng 50.000-70.000 tấn, chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài. Amiăng được sử dụng nhiều nhất là sản xuất tấm lợp amiăng xi măng (95%). Trong toàn quốc có khoảng 36 cơ sở sản xuất tấm lợp với hàng nghìn công nhân lao động trong đó phần lớn tiếp xúc trực tiếp với amiăng.

Chia sẻ về cơ chế gây bệnh ung thư do amiăng gây ra, PGS. Sơn cho hay, khi sợi amiăng được hít vào qua đường hô hấp, sợi amiăng sẽ xâm nhập vào phổi và tồn tại trong một thời gian dài do quá trình thanh thải thường thất bại. Sợi amiăng không được thanh thải sẽ gây tổn thương tế bào biểu mô dẫn tới các bệnh về phổi như bệnh bụi phổi amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô. Thời gian ủ bệnh từ 10-40 năm.

ThS.BS Nguyễn Thị Thúy Linh - BV K Trung ương cũng cho biết, ung thư trung biểu mô là một bệnh hiếm gặp, xuất phát từ lớp mô phủ bên trong lồng ngực hoặc ổ bụng và một số cơ quan khác. "Tuy hiếm gặp nhưng bệnh này chiếm đến 1/2 các loại ung thư nghề nghiệp. 80% trường hợp mắc là do tiếp xúc với amiăng sau 20-30 năm. Bệnh nhân mắc thường tử vong trong vòng từ 12-21 tháng sau phát hiên"- BS. Linh cho hay.

Trước những tác hại đã được chỉ rõ của amiăng, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã cấm mọi sản phẩm có chứa amiăng. Trên thực tế chỉ còn 35 nước sử dụng, trong đó có Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch UBND xã Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng cho biết, hầu hết các hộ gia đình ở địa phương đều lợp nhà bằng tấm fibro xi măng vì dễ vận chuyển và giá thành rẻ, tiện lợi. Tuy nhiên trước những tác hại của amiăng nguy hiểm cho sức khỏe con người, bà Vân mong muốn Chính phủ và các bộ ngành liên quan tìm vật liệu khác thay thế cho người dân, không gây độc hại cho sức khỏe người dân.
Đồng thời các các chương trình cấp cho người nghèo. Hướng dẫn người dân để chôn cất đúng cách những tấm lợp fibro xi măng mục nát, hỏng để tránh gây tác hại cho sức khỏe người dân và môi trường.

Theo Sức khoẻ & Đời sống