Chuyển gấp thiết bị y tế từ Hà Nội vào Huế cứu ca Covid-19 nặng

Hà An

(Dân trí) - Phát hiện bệnh nhân có huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, các bác sĩ đã hội chẩn gấp và quyết định đặt filter tĩnh mạch chủ dưới. Tuy nhiên, các thiết bị làm can thiệp không có sẵn ở Huế.

Đây là trường hợp BN456, nữ, 55 tuổi (Hải Châu, Đà Nẵng) đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Bệnh nhân mắc Covid-19, có biểu hiện suy hô hấp cấp, hội chứng suy hô hấp tiến triển nhanh, tăng huyết áp, huyết khối tĩnh mạch chi dưới, tiên lượng rất nặng.

Chiều 5/8, tại Trung tâm cách ly và điều trị covid 19, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, nhóm chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện làm trưởng nhóm đã phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành hội chẩn, làm can thiệp tim mạch (đặt filter tĩnh mạch chủ dưới) để cấp cứu BN456.

Chuyển gấp thiết bị y tế từ Hà Nội vào Huế cứu ca Covid-19 nặng - 1
Khi phát hiện bệnh nhân có huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, các bác sĩ đã phải hội chẩn gấp.

Trước đó, ngày 4/8, qua thăm khám lâm sàng, làm siêu âm tim và mạch máu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân trên có huyết khối tĩnh mạch sâu từ khoeo đến tĩnh mạch chậu ngoài bên trái. Các chuyên gia hội chẩn gấp và quyết định làm can thiệp đặt filter tĩnh mạch chủ dưới để cấp cứu, phòng ngừa biến chứng tắc mạch phối cho bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có thể lan rộng tới tĩnh mạch chậu và cao hơn. Một biến chứng rất nguy hiểm của nó là tắc động mạch phổi làm tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt ở bệnh nhân Covid-19 có tổn thương phổi và mắc kèm nhiều bệnh nền như BN456. Người bệnh có huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới đòi hỏi phải điều trị thuốc chống đông đường uống kéo dài, tuy nhiên có tới 33% số bệnh nhân vẫn gây tắc động mạch phổi thứ phát. 

Hơn nữa khi dùng thuốc chống đông làm tăng nguy cơ chảy máu đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như mắc Covid-19. Biện pháp đặt Filter tĩnh mạch chủ giúp chủ động dự phòng tắc động mạch phổi cho bệnh nhân.

Biện pháp này không phải là kỹ thuật quá khó, nhưng là thủ thuật lần đầu tiên can thiệp trên bệnh nhân Covid-19 đang có diễn biến nặng. Vì thế, bệnh nhân cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. 

Ngoài ra, các thiết bị sử dụng làm can thiệp này không có sẵn ở Huế. Vì vậy, nhóm chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cấp tốc huy động và chuyển thiết bị này từ Hà Nội vào qua đường hàng không. Ca can thiệp cho bệnh nhân kéo dài khoảng 45 phút. 

Ngay trong đêm 5/8, bệnh nhân đã được chụp CT phổi để kiểm tra tổn thương phổi và theo dõi kỹ diến biến lâm sàng. Hiện bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng và được chăm sóc đặc biệt.

Trước đó bệnh nhân có chăm người nhà điều trị Bệnh viện Đà Nẵng, sau đó thì về quê tại Quảng Nam. Ngày 20/7, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng sốt, ho, đau ngực, khó thở, ho có đờm trắng. Bệnh nhân có khám và điều trị tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Hải Châu ngày 24/7. Triệu chứng không giảm nên ngày 28/7, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ, TP Đà Nẵng. Bệnh được chẩn đoán viêm phế quản cấp lấy xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. 

Sáng 29/7 bệnh mệt nhiều, ho có đờm trắng, khó thở, đau ngực, được cấp cứu tại khu cách ly riêng với chẩn đoán viêm phổi nặng, chưa loại trừ Covid-19, kèm tăng huyết áp, suy hô hấp. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 ngày 30/7 với chẩn đoán mắc Covid-19, luôn trong tình trạng rất nặng.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đang điều trị, cấp cứu cho 19 ca bệnh rất nặng, mọi chăm sóc đều do cán bộ y tế của bệnh viện đảm nhiệm.