Chủng Zika tại Việt Nam ít gây hội chứng đầu nhỏ

(Dân trí) - Trước sự hoang mang, lo lắng của người dân khi Việt Nam xuất hiện ca nhiễm vi rút Zika thứ 3 tại tỉnh Phú Yên, Bộ Y tế cho biết chủng Zika tại Việt Nam ít gây hội chứng đầu nhỏ, không dễ lây lan như chủng gây bệnh ở Nam Mỹ.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh nhân dương tính với vi rút Zika là ca thứ 3 ghi nhận tại Việt Nam. Ngành y tế đã giám sát, lấy 2.405 mẫu xét nghiệm để tìm vi rút Zika.

Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trên cả nước đã lấy 2.405 mẫu xét nghiệm vi rút Zika (06 mẫu lấy từ người đi từ vùng dịch, 14 mẫu lấy từ phụ nữ mang thai nghi nhiễm vi rút Zika), kết quả có 3/2.380 mẫu đã xét nghiệm có kết quả dương tính với vi rút Zika, các mẫu còn lại đang xét nghiệm.

Về trường hợp ca nhiễm Zika thứ 3 trú tại thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, Sở Y tế tỉnh đã triển khai hàng loạt các biện pháp, ngăn ngừa Zika lây lan ra cộng đồng ngay khi phát hiện.

Cục Y tế dự phòng phối hợp với chính quyền tỉnh Khánh Hòa đang hướng dẫn người dân chủ động tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh do sốt xuất huyết và vi rút Zika.
Cục Y tế dự phòng phối hợp với chính quyền tỉnh Khánh Hòa đang hướng dẫn người dân chủ động tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh do sốt xuất huyết và vi rút Zika.

Trước ca bệnh mới phát này, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pasteur, các trung tâm y tế tại địa phương tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu gửi xét nghiệm để sớm phát hiện các ca bệnh ở cộng đồng, đồng thời Vụ Chăm sóc sức khỏe Bà mẹ và trẻ em tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, phát hiện sớm nguy cơ hội chứng đầu nhỏ tại Phú Yên cũng như các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Theo TS Phu, nhiều người dân hoang mang, lo lắng khi Việt Nam lại xuất hiện ca nhiễm vi rút Zika. “Tuy nhiên, rất may mắn, kết quả giải trình tự gen từ các viện nghiên cứu cho thấy chủng vi rút Zika đang lưu hành tại châu Á (trong đó có Việt Nam) không dễ lây lan và ít gây nguy cơ mắc chứng đầu nhỏ như chủng vi rút Zika lưu hành tại châu Mỹ”, TS Phu nói.

Vì thế, Bộ Y tế đề nghị người dân nên quan tâm tới các khuyến cáo phòng, chống dịch nhưng không nên quá hoang mang, lo lắng trước dịch bệnh Zika.

Với tính chất của bệnh, nên đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn không đề xuất việc hạn chế đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương. Tuy nhiên Bộ Y tế cũng khuyến cáo người đi/đến/về từ vùng có dịch bệnh do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.

Đây cũng là căn bệnh do muỗi truyền, nên việc phòng hiệu quả nhất là ngăn muỗi đốt bằng cách áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng); Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi, phun hóa chất diệt muỗi… Đặc biệt phụ nữ đang trong lứa tuổi sinh sản, phụ nữ đang mang thai (nhất là trong 3 tháng đầu) càng phải thận trọng, phòng ngừa nguy cơ muỗi đốt truyền vi rút Zika có thể gây rủi ro cho sức khỏe thai nhi.

Hồng Hải