Chữa bệnh hiệu quả ngay trong ngày: Chỉ là trò lừa!

Cứ hứa khỏi bệnh trong thời gian ngắn rồi kéo dài, bệnh nhân buộc phải theo, tốn hàng chục triệu đồng mà bệnh vẫn còn...

Chị Bình (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) kể: Do thường ăn không tiêu, bụng bị ứ hơi, chị đã đi đến một phòng khám bệnh y học Trung Quốc đang được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng để khám. Tại đây, chị được các chuyên gia y tế người Trung Quốc bắt mạch kê đơn và yêu cầu chị dùng thuốc trong 1 tuần bệnh sẽ hết. Đã 2 tháng trôi qua, chị Bình đã tốn hàng chục triệu đồng rồi mà bệnh của chị vẫn không thuyên giảm.

 

Một ngày thành 3 tháng

 

Chúng tôi đến một phòng khám bệnh y học Trung Quốc nằm ở Q.10. Nơi đây được quảng cáo là phòng khám khang trang nhất với đội ngũ chuyên viên có trình độ chuyên viên kỹ thuật được Bộ Ngoại giao Trung Quốc chứng nhận (!) sử dụng liệu pháp “tam thông” đặc sắc để phục vụ cho chuyên ngành chăm sóc sắc đẹp. Sau khi dùng các phương pháp pha chế đặc biệt sẽ có hiệu quả ngay trong ngày không để lại sẹo, không tái phát, không gây ngứa, làm đẹp da...

 

Tiếp tôi là hai cô gái người Hoa, nói tiếng Việt lơ lớ. Sau khi biết tôi có ý định khám bệnh ngoài da, một cô đưa tôi lên lầu, nơi có các chuyên viên đang đợi sẵn. Khám gì? – người phiên dịch hỏi. Chỉ vào da mặt đang bị nổi nhiều mụn, tàn nhang, chưa kịp nói hết câu, tôi đã bị ngắt lời bởi hai chuyên viên người Hoa đang ngồi nghe dịch lại: Lè lưỡi ra. Tôi lè lưỡi. Đưa tay ra. Tôi đưa tay để họ bắt mạch.

 

Chỉ một thoáng là họ đưa ra kết luận ngay: Chị sẽ phải tuân thủ đủ theo lộ trình mà chúng tôi đề ra. Mỗi lộ trình là 20 ngày, mỗi ngày uống hết 200.000 đồng tiền thuốc, phải đủ thuốc mới mong hết bệnh, nếu chị không uống đủ theo lộ trình thì chúng tôi không chịu trách nhiệm. Tôi đóng 4 triệu đồng để mua những lọ thuốc trong có chứa những viên nhỏ dạng như thuốc tễ.

 

Sau 20 ngày dùng thuốc, da mặt tôi vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Hết thuốc, tôi đến lại phòng khám thắc mắc liền bị các nhân viên ở đây phán: Chị phải dùng thêm một lộ trình nữa, nghĩa là mất thêm 4 triệu đồng.

 

Hết lộ trình cũng bằng không

 

Cùng tâm trạng với tôi là tình cảnh của chị Hoa ở Q.1, TP.HCM. Chị Hoa kể: Chị bị chứng loãng xương, bàn chân tê cứng không lên xuống cầu thang được. Nghe nói ở phòng khám bệnh Trung Quốc ở đường Học Lạc, Q.5 có phương thuốc đặc biệt uống thấy đỡ nhức ngay, chị liền đến khám. Lúc đầu họ cũng yêu cầu lè lưỡi, bắt mạch. Nhưng dường như những việc này chỉ là động tác thừa, chứ chẳng ai quan tâm đến lưỡi có dấu hiệu gì không. Sau đó họ cho một liều thuốc bảo về nhà dùng nếu thấy hết đau thì hãy đến.

 

Quả thực sau khi dùng liều thuốc họ đưa về thấy bớt nhức hẳn, sáng hôm sau, chị Hoa đến và bị dụ ngay. Uống 20 ngày đầu chưa hết, tiếp 20 ngày sau, rồi 20 ngày sau nữa bệnh vẫn không thuyên giảm. Quá thất vọng, chị Hoa yêu cầu họ phải làm cam kết uống thuốc trong thời gian bao lâu thì hết bệnh nhưng nơi đây từ chối. Mất hơn chục triệu đồng mà vẫn chưa thấy hy vọng gì, biết mình đã bị lọt vào bẫy chị đành bỏ, không theo nữa.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hầu hết bệnh nhân đến với các phòng khám bệnh y học Trung Quốc kiểu này đều bất bình trước kiểu khám bệnh qua quýt và định bệnh một cách tùy tiện. Bệnh nhân lại mang tâm lý “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc” nên thấy bệnh không hết cũng ngại không khiếu nại gì. Mặt khác, việc kéo dài thời gian trị bệnh theo từng lộ trình như đã kể ở trên chỉ làm cho người bệnh nuôi hy vọng mỏi mòn rồi chán nản bỏ ngang. Đến lúc ấy họ sẽ đổ thừa tại bệnh nhân không đi hết lộ trình như họ yêu cầu nên bệnh không thể khỏi.

 

Để thu hút bệnh nhân đến phòng khám, họ dùng nhiều từ hoa mỹ, rồi hứa hẹn sẽ chữa khỏi bệnh trong thời gian ngắn. Hết thời gian ngắn mà họ đưa ra rồi lại tiếp tục dụ thêm một thời gian nữa gọi là lộ trình. Khi đã đi quá nửa đoạn đường chỉ còn ráng chút nữa sẽ hết bệnh thì ai chẳng muốn. Thế là đã phóng lao đành phải theo lao, tiền tốn hàng chục triệu đồng mà bệnh vẫn còn đó.

 

Phần lớn những người lui tới các phòng khám này thường là người già ở các tỉnh lên thành phố. Họ mắc những loại bệnh thông thường như nóng gan, đau nhức, viêm mũi, hoặc trẻ thì bị bệnh ngoài da... Tâm lý sợ dùng thuốc tây nên họ tìm đến các phòng khám bệnh Trung Quốc khá đông. Tưởng rẻ, nhưng lại mắc hơn rất nhiều so với chữa trị ở các bệnh viện mà bệnh vẫn còn sờ sờ ra đấy.

 

Theo Ngọc Mai

Người lao động