Chủ tịch Hà Nội: “Từ nay đến 31/3, người dân nên ở nhà, hạn chế ra đường”

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội khuyến cáo các cửa hàng nếu không thật sự cần thiết thì nên đóng trừ cửa hàng thuốc, lương thực thực phẩm, siêu thị, cây xăng.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP HN chiều 18/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng con đường chống dịch phía trước còn dài. Không loại trừ thời gian tới sẽ có thêm các ca nhiễm và dấu hiệu sẽ tăng lên.

“Giai đoạn 1, chúng ta chỉ suy nghĩ nguồn lây nhiễm từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng hiện nay nguồn lây rất nhiều, đã có hơn 172 ngước và vùng lãnh thổ. Chúng ta có nguy cơ của tất cả các nước còn lại chứ không chỉ 3 quốc gia trên. Chỉ cần lọt một trường hợp thì như ca mắc tại Bình Thuận có thể nhân lên 9 trường hợp”, ông Chung nhấn mạnh.

Chủ tịch Hà Nội: “Từ nay đến 31/3, người dân nên ở nhà, hạn chế ra đường” - 1

Hà Nội phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 6/3, đến nay đã có ghi nhận thêm các ca mắc mới ca từ các nước châu Âu, Mỹ, khu vực ASEAN. Theo Chủ tịch Chung nếu theo đúng thực tiễn của Trung Quốc, Hàn Quốc đến tuần 11 thì còn một số nguồn nguy cơ rất cao. Cụ thể là từ những người về nước trước 0giờ ngày 17/3. Một số địa bàn đã phát hiện người dân về sốt nhưng đã đi lại, tiếp xúc trong cộng đồng; các chuyến bay về trước ngày 15/3 cũng phát hiện nhiều chuyến có người nhiễm.

Trong khi đó, sắp tới, Hà Nội sẽ đón rất nhiều du học sinh, người lao động từ các nước trở về. Hiện có ngày đón 600-800 người, thậm chí lên 1.000 người. Số lượng có thể lên hơn 10.000 người về phải thực hiện cách ly tập trung trong thời gian tới.

Hiện Hà Nội cũng cấm các hoạt động tụ tập đông người như khu di tích quán bar, nhà hàng, điểm massage, khu vui chơi văn hóa…

“Khuyến cáo các cửa hàng nếu không thật sự cần thiết thì nên đóng trừ cửa hàng thuốc, lương thực thực phẩm, siêu thị, cây xăng. Từ nay đến 31/3 cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt vì nguồn lây nhiễm từ nhiều nơi, ẩn nấp trong cộng đồng rất cao”, Chủ tịch UBND Thành phố khuyến cáo.

Chủ tịch TP cũng đề nghị người dân dân hết sức bình tĩnh, chủ động các biện pháp chăm sóc sức khỏe đã được khuyến cáo, đặc biệt chăm sóc sức khỏe người già, trẻ em; hạn chế tối đa đi xe bus.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khoanh vùng một cộng đồng để cách ly phòng chống dịch Covid-19 là rất quan trọng. Tuy nhiên, quy mô vùng cách ly dựa trên bằng chứng khoa học về dịch tễ và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về tổ chức cách ly.

Virus gây Covid-19 chỉ lây khi tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc bề mặt có virus do người mắc bệnh thải ra. Vì thế, cơ quan chuyên môn phải tiến hành điều tra dịch tễ để xác định quy mô lây nhiễm.

“Quy mô lây nhiễm đến đâu thì tổ chức cách ly, khoanh vùng đến đó. Tránh tình trạng lo lắng thái quá, quyết định thái quá, một người mắc bệnh cách ly cả phố hoặc cách ly cả làng”, TS Phu nói.

Tại Việt Nam, tính đến tối 18/3 ghi nhận 76 trường hợp mắc, trong đó có 16 trường hợp đã điều trị khỏi và ra viện; 60 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện. 

Tại Hà Nội, mới nhất trong ngày 18/3 Bộ Y tế công bố thêm 4 ca mắc Covid-19 trên địa bàn, đều là những người mới nhập cảnh về Việt Nam gồm khách du lịch, du học sinh... trở về từ nước ngoài. Đến nay, Hà Nội ghi nhận 19 ca mắc Covid-19 và số mắc vẫn dự báo có thể tăng lên.

Hà An