Chủ quan với những dấu hiệu này, người phụ nữ sốc khi biết bị ung thư

(Dân trí) - Sau 3 ngày bị đi tiểu ra máu kèm theo tiểu buốt, bà H.H (58 tuổi) đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) khám. Bà đã rất bất ngờ khi được chẩn đoán bị ung thư bàng quang.

Mới đầu chỉ thấy có biểu hiện tiểu buốt, tiểu rắt, không sốt, không sút cân, nên bà chủ quan, chỉ nghĩ bệnh thông thường. Đến khi bị đi tiểu ra máu ngày 4 đến 5 lần, máu cục lẫn máu tươi bà mới đến viện thăm khám.

Các bác sĩ khoa Ung bướu của Bệnh viện đã hội chẩn trực tuyến cùng các chuyên gia Bệnh viện K Trung ương. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt khối u càng sớm càng tốt.

Chủ quan với những dấu hiệu này, người phụ nữ sốc khi biết bị ung thư - 1

Bệnh nhân được phẫu thuật cắt khối u. 

Bệnh nhân đã được thực hiện phẫu thuật cắt khối u thành công, đang được theo dõi tại khoa Ung bướu.

Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính phổ biến nhất trong ung thư đường tiết niệu, đứng thứ 9 trong các loại ung thư trên thế giới. Bệnh thường gặp ở người già với tuổi trung bình 69 ở nam và 71 ở nữ.

Ung thư bàng quang giai đoạn đầu không có những dấu hiệu rõ ràng, dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Các dấu hiệu đi tiểu lẫn máu, tiểu rắt, tiểu khó, nước tiểu sẫm màu, sụt cân, chán ăn…có thể nhầm lẫn với bệnh lý khác.

Tiểu lẫn máu là triệu chứng thường gặp nhất. Tiểu lẫn máu điển hình trong ung thư bàng quang có đặc điểm tiểu máu từng đợt, tiểu máu đại thể, toàn bãi, không đau.

Đi tiểu lẫn máu cũng có thể xuất hiện ở người bình thường hoặc người có tổn thương lành tính. Theo nghiên cứu gần 2.000 bệnh nhân tiểu lẫn máu cho thấy 60% không có bất thường, ung thư bàng quang chiếm 12%, nhiễm trùng đường tiết niệu khoảng 13%, 10% là do bệnh của thận, sỏi tiết niệu 4%, ung thư thận 0,6% và ung thư tuyến tiền liệt 0,4%.

Khi tiểu lẫn máu xảy ra ở nam giới trên 40 tuổi mà không tìm được nguyên nhân khác phải nghĩ ngay đến ung thư biểu mô đường niệu và phải tiến hành đánh giá toàn bộ hệ thống tiết niệu.

Ngoài ra người bệnh có thể gặp các triệu chứng viêm nhiễm đường tiết niệu, tắc nghẽn đường tiết niệu do u xâm lấn hoặc do cục máu đông.

Biểu hiện ung thư bàng quang ở giai đoạn muộn

Khi bệnh ở giai đoạn muộn đã di căn xa các triệu chứng xâm lấn vào các cơ quan lân cận và triệu chứng của các cơ quan bị di căn thường rõ ràng hơn như đau hông, đau trên xương mu, đau vùng hạ vị, đau tầng sinh môn, đau xương, đau đầu...

Mệt mỏi, gầy sút, chán ăn, suy sụp nhanh là dấu hiệu thường gặp ở ung thư bàng quang giai đoạn muộn và tiên lượng xấu.

Khoảng 70% các trường hợp ung thư bàng quang mới mắc được chẩn đoán là các khối u chưa xâm lấn lớp cơ hay còn gọi là ung thư bàng quang nông, còn lại 30% xâm lấn xuống lớp cơ. Nguy cơ tái phát cao, tái phát tại chỗ hoặc tái phát ở vị trí khác với giai đoạn ban đầu hoặc tiến triển hơn.

Bệnh nhân ung thư bàng quang cần được theo dõi thường xuyên. Điều trị ung thư bàng quang chủ yếu bằng phẫu thuật. Hóa chất và miễn dịch có vai trò hỗ trợ. Tia xạ làm giảm triệu chứng ở những bệnh nhân giai đoạn muộn.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có những biểu hiện như đi tiểu thường xuyên, tiểu buốt, có lẫn máu trong nước tiểu cần đến bệnh viện thăm khám ngay để được tư vấn điều trị. Đặc biệt với những người tiền sử gia đình có người bị ung thư cần khám sức khỏe, tầm soát ung thư định kỳ hàng năm.

Hà An