Chủ nhân giải nhất Nhân tài Đất Việt trao 200 triệu tiền giải thưởng cho bệnh nhân, người nghèo

(Dân trí) - Ngày 14/1, Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 đã trao giấy chứng nhận và giải thưởng trị giá 200 triệu đồng cho nhóm tác giả đề tài “Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú”.

Chủ nhân giải nhất Nhân tài đất Việt trao 200 triệu tiền giải thưởng cho bệnh nhân, người nghèo

Ông Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập báo Dân trí, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2018 đã trao giấy chứng nhận và giải thưởng trị giá 200 triệu đồng cho nhóm tác giả đề tài các “Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú”.

Chủ nhân giải nhất Nhân tài Đất Việt trao 200 triệu tiền giải thưởng cho bệnh nhân, người nghèo - Ảnh 2.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cùng đại diện nhóm nghiên cứu nhận chứng nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt lĩnh vực Y Dược 2018. Ảnh: H.Hải

Tổng biên tập báo Dân trí cho biết, Giải thưởng Nhân tài đất Việt đã trải qua 14 mùa giải, trong đó, giải thưởng về lĩnh vực Y Dược được tổ chức từ năm 2010 đến nay. Nhóm tác giả gồm GS.TS Trần Văn Thuấn cùng các cộng sự là giải thưởng lần thứ 9 được trao trong lĩnh vực Y Dược.

Chủ nhân giải nhất Nhân tài Đất Việt trao 200 triệu tiền giải thưởng cho bệnh nhân, người nghèo - Ảnh 3.

Tổng biên tập báo Dân trí, Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2018 đánh giá cao hiệu quả công trình nghiên cứu. Ảnh: Hữu Nghị.

Ông Phạm Huy Hoàn đánh giá "Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú” là một đề tài mang tính thực tiễn cao, nâng tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú lên đến 95% nếu bệnh nhân được chẩn đoán giai đoạn sớm. Kết quả cũng đã được ứng dụng rộng rãi trong mạng lưới các bệnh viện ung bướu trong cả nước.

GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, đây là cụm công trình được các các bộ nòng cốt bệnh viện K tiến hành từ năm 1993 đến nay. Hiện nay, phác đồ điều trị này không những áp dụng tại Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng phác đồ này.

"Cụm công trình được tiến hành trong suốt 25 năm, nó không chỉ nổi trội về nghiên cứu, hợp tác quốc tế, mà cụm công trình bao gồm tất cả các lĩnh vực từ dịch tễ, chẩn đoán, sinh học phân tử, mảng điều trị ngoại khoa, nội khoa, xạ trị…liên quan đến ung thư phú. 

Tại Việt Nam, ung thư vú là bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ và ngày càng tăng cao, việc ứng dụng những kỹ thuật mới trong cụm công trình đã nâng cao tỉ lệ điều trị khỏi cho bệnh nhân ung thư vú lên đến 95% nếu phát hiện sớm. Tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú ở viện K nói chung cho tất cả các giai đoạn tới 75%, tương đương các nước phát triển", GS Thuấn nói.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông cũng bày tỏ công trình nghiên cứu với kết quả điều trị khỏi bệnh ung thư vú rất ngoạn mục, là niềm tự hào không riêng của bệnh viện K mà cho ngành ung thư, cho ngành y tế. GS Thuấn cũng bày tỏ lời cảm ơn tới tất cả các thầy, cô, đồng nghiệp đã không quản ngại khó khăn nghiên cứu, đánh giá, tổng kết, phổ biến, chuyển giao kỹ thuật điều trị ung thư vú cho tuyến tỉnh.

Với số tiền thưởng trị giá 200 triệu đồng, GS Thuấn cũng thay mặt nhóm tác giả trao tặng 100 triệu đồng cho Quỹ Ngày mai tươi sáng, 100 triệu đồng dành tặng Quỹ Nhân ái của Báo Dân trí để dành tặng các trường hợp khó khăn.

Ths Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) đánh giá cụm công trình là thành quả, là công lao đóng góp của nhiều cá nhân với sự nghiệp phòng chống ung thư, trong đó có ung thư vú. "Đây là vinh dự không riêng của bệnh viện K mà là của toàn ngành y tế, khi mà mỗi năm có 1 - 2 cụm công trình y tế được nhận giải thưởng".

"Tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú nếu phát hiện sớm là 95%, điều trị khỏi tất cả các giai đoạn là 75%. Đây là kết quả ngoạn mục khi mà điều kiện của Việt Nam chưa bằng các nước phát triển, nhưng tỉ lệ điều trị khỏi bệnh là tương đương", ông Đình Anh cho biết.

Đề tài “Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú” do GS.TS Trần Văn Thuấn, GS.TS Nguyễn Bá Đức, PGS.TS Bùi Diệu, PGS.TS Tạ Văn Tờ, TS Nguyễn Văn Định, TS Lê Thanh Đức, TS Lê Hồng Quang, TS Phùng Thị Huyền, TS Đỗ Doãn Thuận, BS Đặng Thế Căn, BS Tô Anh Dũng, PGS.TS Trần Thanh Hương, Ths Nguyễn Hoài Nga và cộng sự thực hiện được trao giải nhất lĩnh vực Y Dược Nhân tài đất Việt năm 2018.

Chủ nhân giải nhất Nhân tài Đất Việt trao 200 triệu tiền giải thưởng cho bệnh nhân, người nghèo - Ảnh 4.

GS.TS Trần Văn Thuấn (đứng giữa) nhận giải nhất Nhân tài đất Việt 2018 lĩnh vực Y Dược.

Tại Việt Nam, ung thư vú là loại ung thư phổ biến hàng đầu ở nữ giới với tỷ lệ mắc mới chuẩn hóa theo tuổi (ASR) vào năm 2013 là 24,4/100.000 dân (ước tính của GLOBOCAN năm 2018 là 26,4/100.000 dân).

Theo thống kê, hiện có khoảng 42.188 người đang sống cùng căn bệnh ung thư vú. Trước đây ung thư vú là nỗi ám ảnh của nhiều người, nhưng ngày nay ung thư vú có thể sàng lọc, phát hiện sớm và tiên lượng điều trị tốt nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.

Như với kỹ thuật FISH – phương pháp lai tại chỗ gắn huỳnh quang, tỷ lệ bộc lộ HER2 lên đến 41%, và tỷ lệ khuyếch đại gen chiếm 39%, là dấu ấn quan trọng cho việc ứng dụng liệu pháp điều trị đích bằng kháng thể đơn dòng Trastuzumab, qua đó cải thiện ngoạn mục về tỷ lệ sống thêm cho bệnh nhân ung thư vú có thụ thể HER2 dương tính, cụ thể tỷ lệ sống thêm toàn bộ sau 1-3 năm là 87- 98%, kể cả ở các nhóm có di căn hạch tỷ lệ sống không bệnh sau 5 năm là trên 75%.

"Nếu bình thường không có biện pháp điều trị đích, không có phương pháp chẩn đoán gen, tỉ lệ sống thêm của người bệnh có gen dương tính dưới 50%. Nhưng nay, nhờ các kĩ thuật mới này đã "lội ngược dòng" một cách ngoạn mục, với tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú tại BV K là 75%, tương đương như tại Singapore", GS Thuấn nói.

GS Thuấn cho biết, với ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn sớm tỉ lệ chữa khỏi đến 95%. Tuy nhiên tại Việt Nam, vẫn có đến 50% bệnh nhân ung thư vú đến viện ở giai đoạn muộn.

Trong khi đó, việc tầm soát, sàng lọc có ý nghĩa vô cùng quan trọng với phát hiện sớm ung thư vú. Trong giai đoạn 2008-2010, qua sàng lọc 70.980 phụ nữ tại 7 tỉnh/thành phố, tỷ lệ phát hiện ung thư vú qua sàng lọc là 59,2/100.000 phụ nữ là khá cao, cho thấy hiệu quả khi triển khai các chương trình này tại cộng đồng.

Tuy nhiên tại cộng đồng, chỉ có 24,2% phụ nữ có thực hành tự khám vú hàng tháng trong số những người tham gia chiến dịch sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng đó là tỷ lệ phát hiện bất thường ở nhóm phụ nữ thực hành tự khám vú thấp hơn ở nhóm không thực hành cho thấy hiệu quả và ý nghĩa của việc hướng dẫn phụ nữ tự khám vú đối với việc phát hiện sớm tổn thương ung thư vú.

"Hiệu quả sàng lọc ung thư vú rất rõ, rất mong thời gian tới BHXH chi trả tối thiểu cho việc khám sàng lọc, qua đó tăng được tỉ lệ người bệnh đi khám, điều trị sớm sẽ gia tăng tỉ lệ chữa khỏi, điều trị khỏi", GS Thuấn nói.

Hồng Hải