Chống quá tải bệnh viện, BHYT không chi trả khám vượt tuyến từ 2015

(Dân trí) - Từ 1/1/2015., Luật BHYT sửa đổi bổ sung sẽ có hiệu lực. Một trong những điểm mới của Luật là bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đi khám bệnh vượt tuyến sẽ không được BHYT chi trả 30% nhưng bù lại thanh toán nội trú sẽ tăng thêm 10% so với trước đó.

Tăng chi trả điều trị nội trú

Theo quy định mới người bệnh khám ngoại trú vượt tuyến không được BHYT 

Theo quy định mới người bệnh khám ngoại trú vượt tuyến không được BHYT chi trả. Nhưng với bệnh nhân vượt tuyến nhập viện mức chi trả lại tăng lên 40%. Ảnh minh họa: H.Hải

Hiện nay khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến, người bệnh sẽ được chi trả ở các mức 30, 50 và 70% chi phí tùy theo loại bệnh viện. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2015, khi vượt tuyến trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40%, tuyến tỉnh mức chi là 60% khi nằm viện điều trị nội trú; còn người đi khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được thanh toán.

Ví dụ, nếu một người có thẻ BHYT ở BV Xanh Pôn nhưng lên BV Bạch Mai khám đau dạ dày vào ngày 1/1/2015 và điều trị ngoại trú thì họ sẽ không được BHYT thanh toán bất kỳ chi phí nào. Nhưng nếu phải nhập viện điều trị, mức thanh toán của quỹ BHYT cho đối tượng này lại tăng lên 40%, thay vì 30% như trước năm 2015.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc quy định chi trả vượt tuyến của quỹ BHYT để hướng tới không có sự qua tải ở các bệnh viện một cách vô lý. Vấn đề nữa là làm sao để đảm bảo thực hiện phân tuyến chuyên môn kỹ thuật theo đúng quy định của ngành y tế. Có những bệnh viện tuyến dưới điều trị tốt, hiệu quả nhưng người dân cứ đổ xô lên tuyến trên sẽ gây quá tải. Vì thế trong khu vực khám chữa bệnh ngoại trú, không khuyến khích khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến ở tuyến trung ương.

"Nhưng bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu cho một số người có nhu cầu khám vượt tuyến, trái tuyến, mức hưởng vượt tuyến khu vực nội trú sẽ tăng 10% ở khu vực bệnh viện truyến trung ương và 30% ở tuyến tỉnh so với mức 30% trước đó", ông Sơn cho biết.

Mua BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm mức đóng

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình được khuyến khích, người dân mua BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm trừ mức đóng. Người thứ nhất đóng mức 4,5% lương cơ sở - khoảng 600.000 đồng một năm; người thứ hai, ba, tư lần lượt sẽ bằng 70, 60, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Quy định nêu trên sẽ khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.

Quy định này cũng nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT nhiều hơn. Chiều 26/12 tại cuộc họp tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan này thông báo đến nay đã có xấp xỉ 71% người Việt có thẻ BHYT. Con số này đã vượt chỉ tiêu đề ra, là một tín hiệu đáng mừng cho việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Hỗ trợ tối đa người nghèo, đối tượng khó khăn

Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh (KCB), tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách.

Theo đó, từ 1/1/2015, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được Quỹ BHYT chi trả 100%, không phải đồng chi trả thêm 5% như trước đây. Với đối tượng người cận nghèo trước phải đồng chi trả 20%, nay sẽ chỉ phải đồng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh..

Đáng chú ý, Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến (tương đương 7 triệu đồng). Quỹ cũng chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh ở tuyến xã.

Theo Luật mới này, các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cũng sẽ được quỹ BHYT thanh toán.

Thêm một điểm mới của Luật BHYT sửa đổi, theo đó từ 1/1/2016, Bộ Y tế sẽ mở thông tuyến khám, chữa bệnh. Cụ thể, người dân khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện sẽ được quyền khám, chữa tại tất cả đơn vị tương đương tuyến cùng địa bàn tỉnh.

Tú Anh