Châu Á: Bệnh cũ chưa qua, bệnh mới đã đến

(Dân trí) - Các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương đã đối mặt với thách thức nghiêm trọng từ các bệnh “do lối sống” và lão hóa dân số ngay khi đang phải vượt qua những bệnh “truyền thống”.

Dù thuốc tiên mà it vận động thì bệnh vẫn cứ đến

Dù thuốc tiên mà it vận động thì bệnh vẫn cứ đến

 

Giám đốc WHO khu vực châu Á Thái Bình Dương Shin Young-soo cho biết những bệnh này, thường này sinh từ sự thay đổi chế độ ăn uống và lười tập luyện, đang tăng mạnh tại các nước châu Á.

 

Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy khoảng 12% số người trưởng thành ở Trung Quốc bị bệnh tiểu đường và khoảng 50% đang trong tình trạng “tiền tiểu đường”, nghĩa là trên trên ranh giới phát triển bệnh.

 

Con số này tăng vọt so với ước tính 3-4% số người lớn bị tiểu đường ở Trung Quốc vào những năm 1990.

 

Khoảng 10% số người lớn ở những nước như Hàn Quốc, Nhật và Việt Nam cũng đang bị bệnh tiểu đường.

 

Một số quốc đảo ở Thái Bình Dương đang phải chứng kiến bệnh tiểu đường xảy ra ở 40% số người lớn trong khi 75 – 80% bị béo phì.

 

“Nguyên nhân là do sự thay đổi lớn về chế độ ăn uống trong 30-40 năm qua. Cũng có một quan sát rất đáng chú ý cho thấy người dân châu Á có vẻ dễ bị tiểu đường hơn người phương Tây”, ông nói. “Chúng ta phải thay đổi hành vi. Cả xã hội phải chung tay đối phó với vấn đề này”.

 

Những bệnh không truyền nhiễm khác như cao huyết áp và cholesterol cao cũng đang gia tăng bất chấp thực tế tất cả những bệnh này đều có thể phòng ngừa được.

 

“Qua nhiều năm, tình trạng này sẽ dẫn đến chi phí khổng lồ về chăm sóc y tế. Xã hội sẽ mất năng suất lao động”, ông cảnh báo.

 

Shin cũng cho biết tình trạng già hóa dân số ở một số nước như Australia, Nhật và Trung Quốc sẽ buộc những quốc gia này phải chi nhiều tiền hơn cho việc chăm sóc người già.

 

Những vấn đề khác mà khu vực đang phải đối mặt như tỷ lệ mù lòa cao và sự lan rộng của các bệnh khác thuốc cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị của WHO tại Manila, Philippin.

 

Cẩm Tú

Theo channelnewsasia