Chàng thanh niên "siêu còi" và hành trình nằm viện 300 ngày nhiều lần "chết đi sống lại"

(Dân trí) - Bị căn bệnh mô bào phổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Đức (18 tuổi, Hải Dương) trước khi bước vào phòng mổ để thay phổi mới, thời gian sống của cậu tính bằng giờ. Cậu suy kiệt, chỉ còn da bọc xương, các bác sĩ quyết "liều" để tìm cho em một cơ hội sống bởi với trường hợp của cậu, chuyên gia thế giới cũng "lắc đầu".

Ngày 18/10 đánh dấu ngày "sổ lồng" của chàng thanh niên 18 tuổi sau hành trình dài 300 ngày nằm viện.

"300 ngày là tính từ ngày cậu được đẩy vào phòng ghép phổi, còn nếu cộng dồn thời gian nằm chờ ghép vì suy kiệt, thở không ra hơi, những lần đi viện như cơm bữa trong suốt 5 năm qua, thì thời gian nằm viện không tính xuể", PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ.

Đức đã trải qua ca đại phẫu thuật  ghép phổi từ người chết não vào ngày 12/12/2018. Tình thế của em trước khi đẩy vào phòng mổ rất nguy kịch. Trước thời điểm có phổi từ người cho chết não, các bác sĩ sợ rằng em không còn cơ hội chờ đợi nguồn phổi hiến.

Chàng thanh niên siêu còi và hành trình nằm viện 300 ngày nhiều lần chết đi sống lại - 1

Thời điểm trước khi được ghép phổi, căn bệnh mô bào khiến chàng thanh niên suy kiệt chỉ còn da bọc xương, nằm trên giường thở thôi cũng mệt.

Đức được chẩn đoán mắc căn bệnh mô bào và chống chọi đến 5 năm, khi chỉ còn là một cậu bé da bọc xương, tiên lượng chỉ còn sống bằng giây, bằng phút, bằng giờ bởi phổi đã bị hỏng toàn bộ, cậu đã may mắn khi phổi hiến phù hợp.

May mắn với Đức, còn với các bác sĩ, đó cả là một sự "cân não", bởi không ghép phổi, 100% Đức tử vong trong ngày một, ngày hai. Nguồn phổi được đánh giá phù hợp nhất với bệnh nhân. Nhưng ghép, đó sẽ là một thách thức lớn cho các bác sĩ bởi bệnh của Đức quá nặng, thể trạng suy kiệt.

"Cậu ấy siêu còi, siêu suy kiệt với chỉ số BMI là 14 (siêu còi cọc - người bình thường chỉ số này là18.5–24.9), với mức suy kiệt này mổ ruột thừa tiên lượng còn nặng chứ không thể nói đến một đại phẫu lớn là ghép 2 phổi", PGS Ước nhớ lại.

Ông cho biết thêm, đại đa số trường hợp chờ ghép phổi dài đằng đẵng, cả năm đến khi không có người cho và phải chấp nhận cái chết. Hoặc lúc có người cho thì người cần ghép lại được đưa vào viện trong tình trạng suy hô hấp, dẫn đến không thực hiện được.

Nhưng "phép màu" lại chỉ đến với Đức bởi phổi người cho phù hợp, vì thế các bác sĩ quyết định ghép phổi dù đây là một thử thách lớn. "Chúng tôi phải chạy đua với thời gian, với “tử thần” để giành lại sự sống cho cháu. Bởi trước khi mổ tình trạng của cháu rất nguy kịch", PGS Ước nhớ lại.

Chàng thanh niên siêu còi và hành trình nằm viện 300 ngày nhiều lần chết đi sống lại - 2

Phép màu đã đến với Đức, em được ghép phổi và trải qua thời gian nằm điều trị lâu như... cả thế kỉ với 300 ngày điều trị sau ghép phổi.

Ca ghép phổi cho Đức được thực hiện ngày 12/12/2018 - cũng là ca ghép hai phổi đầu tiên từ nguồn cho người chết não được thực hiện thành công tại BV Việt Đức, cứu sống bệnh nhân 17 tuổi đang thoi thóp từng ngày do hai phổi hoàn toàn mất chức năng. Đặc biết, kíp mổ hoàn toàn là các thầy thuốc của bệnh viện thực hiện.

Diễn biến hậu phẫu của bệnh nhân ghép hai phổi trong 10 ngày đầu rất thuận lợi, các tiêu chí chuyên môn liên quan đến ghép phổi đều tiến triển tốt.

Tuy nhiên toàn trạng bệnh nhân còn rất nặng, diễn biến hậu phẫu liên tiếp phức tạp do toàn trạng bệnh nhân quá suy kiệt và một số tổn thương phối hợp ở cơ quan khác, suy nhiều tạng.

10 tháng là những chuỗi ngày các thầy thuốc cố gắng hết sức, luôn trong tình trạng "cân não", hầu hết các phượng pháp điều trị tích cực hiện đại nhất của hồi sức đều được can thiệp cho bệnh nhân, từ ECMO, siêu lọc... 

Chàng thanh niên siêu còi và hành trình nằm viện 300 ngày nhiều lần chết đi sống lại - 3
Và chàng trai của ngày ra viện, không cần hỗ trợ máy móc, thể trạng đã tốt hơn nhiều lần so với thời điểm ghép phổi.

Bệnh nhân đã trải qua không biết bao lần "chết đi sống lại", không những là các liệu pháp điều trị mà vấn đề chăm sóc cũng khó khăn: ăn uống không hấp thụ được, cơ thể suy mòn trước khi ghép, cơ teo da bọc xương, vận động khó khăn chưa nói đến sau ghép phổi phải có sức để thở.

Các bác sĩ ví 10 tháng qua như như một "cuộc chiến âm thầm" để cứu người bệnh. Không một ngày nào bệnh nhân không được chăm sóc đặc biệt. Đến đi công tác, các bác sĩ cũng chăm chăm điện thoại để nghe báo cáo về người bệnh.

Còn các điều dưỡng thì đã trải qua nhiều đêm thức trắng, canh cánh bên Đức 24/7.

"Đây là trường hợp ghép phổi trải qua những cung bậc hiếm gặp trong y văn thế giới. Bệnh nhân được "sổ lồng" không chỉ gia đình vui, mà các bác sĩ cũng hạnh phúc tột độ vì những gì đã trải qua để đến được ngày hôm nay", PGS Ước chia sẻ.

Chàng thanh niên siêu còi và hành trình nằm viện 300 ngày nhiều lần chết đi sống lại - 4
Niềm vui của gia đình ngày Đức được xuất viện.

Gia đình em Đức có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh viện đã phải tự nỗ lực và vận động nhiều nguồn tài trợ thuốc. Ngày 18/10/2019 bệnh nhân được ra viện sau 300 ngày liên tiếp nằm viện. Trong ngày ra viện của con trai, bố và mẹ em Đức xúc động chia sẻ sự hiện diện của em ngày hôm nay là một điều kỳ diệu đối với em và gia đình.

Theo PGS Ước, có được thành công này vô cùng gian lao, nhưng nó mở ra nhiều cơ hội điều trị cho các bệnh nhân bệnh phổi giai đoạn cuối có chỉ định ghép phổi hoặc ghép tim và phổi tại Việt Nam.

 Hồng Hải