Chăm sóc sức khỏe hô hấp từ phòng ngừa đến điều trị

(Dân trí) - Theo báo cáo Lord Jim O’Neill, có 19 ca tử vong mỗi phút do đề kháng kháng sinh và đây là nguyên nhân có thể khiến 10 triệu người tử vong tính đến năm 2050.

Đề kháng kháng sinh đang tăng lên mức nguy hiểm ở tất cả các quốc gia. Các bệnh truyền nhiễm phổ biến: viêm phổi, lao, bệnh lậu, và nhiễm trùng máu đang trở nên khó điều trị hơn vì kháng sinh ngày càng kém hiệu quả. Thậm chí cả một số kháng sinh thuộc nhóm “lựa chọn cuối cùng” cũng đang mất dần hiệu lực.

Cùng với sự phát triển của các phương tiện hiện đại và lượng thông tin khổng lồ có thể truy cập dễ dàng, người Việt Nam hiện nay có thói quen tự “chẩn bệnh và kê thuốc” bằng google hoặc qua các diễn đàn mạng xã hội – nơi các thành viên không-phải-bác-sĩ chia sẻ kinh nghiệm dùng thuốc của cá nhân – thay vì đến bệnh viện hoặc phòng khám. Đáng lo ngại rằng, trong số những loại thuốc tường như vô hại được tự mua, có cả kháng sinh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam đã ở mức báo động.

Chăm sóc sức khỏe hô hấp từ phòng ngừa đến điều trị - 1
Tình trạng đề kháng kháng sinh tại Việt Nam đang ở mức báo động

Đây cũng là một trong các nội dung thảo luận chính trong diễn đàn y tế đa chiều về chiến lược “Chăm sóc sức khoẻ từ phòng ngừa đến điều trị” trong hai ngày 8 và 9 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Diễn đàn được phối hợp tổ chức giữa Hội Y học TPHCM, Hội Hô hấp Việt Nam, Hội Nhi Việt Nam, Hội Y học dự phòng Việt Nam, Viện Pasteur TPHCM, Hội Hô hấp TPHCM, Hội Tai Mũi Họng TPHCM, Hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng và Văn phòng đại diện GSK tại Việt Nam.

Chăm sóc sức khỏe hô hấp từ phòng ngừa đến điều trị - 2
Các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực từ phòng ngừa đến điều trị thảo luận trong Diễn đàn y tế đa chiều tại Hà Nội
Chăm sóc sức khỏe hô hấp từ phòng ngừa đến điều trị - 3
Toàn cảnh Diễn đàn y tế đa chiều tại Thành phố Hồ Chí Minh

Trong hội thảo, các chuyên gia chỉ ra rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường, chế độ ăn uống cùng lối sống ít vận động là những nguyên nhân chính khiến người Việt mắc bệnh, trong đó đáng kể là các bệnh liên quan đến hô hấp. Người Việt thường mang tâm lý chủ quan, đa phần bệnh nhân không tuân thủ đầy đủ theo điều trị của bác sĩ, tự động ngưng thuốc khi thấy triệu chứng được cải thiện mà không biết hệ quả dẫn đến lờn thuốc sau này, hoặc có thể quay trở lại đợt kịch phát dẫn đến phải nhập viện. Đối với trẻ em, gánh nặng bệnh tật ở giai đoạn dưới 2 tuổi là rất nặng nề, phần lớn trẻ nhập viện do các bệnh hô hấp cấp, hơn nữa hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, khi gặp những vi khuẩn tấn công thường không chống lại được và có thể để lại những di chứng, thậm chí tử vong.

Để giải quyết thách thức y tế hiện nay, các chuyên gia cho rằng, ba giải pháp ưu tiên trước nhất là:

1. Sự đồng lòng của khối nhân viên y tế trong tất cả các lĩnh vực về việc kê đơn và sử dụng kháng sinh hợp lý dựa trên cơ sở vi sinh – lâm sàng – dược lâm sàng để giảm thiểu đề kháng kháng sinh;

2. Hướng dẫn và giáo dục bệnh nhân về tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị với kháng sinh cho các bệnh nhiễm trùng hô hấp mắc phải trong cộng đồng; tuân thủ với điều trị dự phòng các bệnh mạn tính như Hen và COPD để quản lý hiệu quả triệu chứng và tránh các đợt cấp phải nhập viện;

3. Ưu tiên chủng ngừa sớm nếu đã có vắc xin để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lý hô hấp phổ biến và nguy hiểm như ho gà hay viêm phổi do phế cầu và cả những bệnh truyền nhiễm khác.

GSK là một trong những công ty dược phẩm và chăm sóc sức khỏe dựa trên nghiên cứu và phát triển hàng đầu thế giới.

Diễn đàn “Chăm sóc sức khoẻ từ phòng ngừa đến điều trị” vừa qua cũng là sự kiện đánh dấu kỷ niệm 25 năm GSK đồng hành cùng sự phát triển của ngành y tế Việt Nam, nỗ lực mang đến các giải pháp từ phòng ngừa đến điều trị cho nhân viên y tế trên các lĩnh vực Dược phẩm và Vắc Xin nhằm mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt. Ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam gửi lời chúc mừng đến GSK Việt Nam nhân sự kiện đặc biệt này và đánh dấu cho cam kết lâu dài của Anh trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành y tế cũng như đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc và vắc-xin có giá trị.