Câu chuyện nghĩa tình của chuyến xe chở những nhịp tim cuối cùng

(Dân trí) - Một chiều chủ nhật cuối tuần, Ban trợ giúp xã hội nhận được thông tin từ khoa Bệnh nhiệt đới về một trường hợp bệnh nhân nữ cần hỗ trợ gấp. Dù được cán bộ y tế cố gắng hồi sức cấp cứu liên tục, nhưng chị đã trút hơi thở cuối cùng khi mới được nửa chặng đường trở về nhà.

Đó là trường hợp chị Xèo Mẹ Biên (33 tuổi) mắc trọng bệnh, nhiễm khuẩn huyết quá nặng. Dù được các y, bác sĩ nỗ lực cứu chữa gần 1 tháng qua, dù tấm thẻ bảo hiểm mang ký hiệu DT2 (Bảo hiểm chi trả 100%) đã làm phao cứu trợ số mệnh cho chị, nhưng, cuộc đời của chị không thể kéo dài thêm. Những giây phút bệnh tình trở nặng, với ước muốn được ra đi tại chính ngôi nhà của mình, gia đình bệnh nhân bày tỏ nguyện vọng xin bác sĩ được đem chị về.

Nhưng, oái oăm thay, cuộc hành trình từ Bệnh viện hữu nghị đa khoa)Nghệ An về tới quê Kỳ Sơn xa tít tắp. Bản Phia Khăm, xã Bắc Lý, nơi có nóc nhà sàn thân thương chị cư ngụ là một xã nghèo biên giới Việt - Lào của huyện Kỳ Sơn, cách thành phố Vinh hơn 300km.

Câu chuyện nghĩa tình của chuyến xe chở những nhịp tim cuối cùng - 1

Chiếc xe cấp cứu BVHNĐK Nghệ An.

“Tiền đâu để thuê xe chở vợ về nhà? Chuyến xe cấp cứu 4 triệu đồng, dù có xin trả sau, đi đến nơi mới thanh toán, thì gom cả nhà cũng không còn đủ". Câu hỏi quay cuồng, quẩn quanh tâm trí người đàn ông dân tộc nghèo trong giây phút sinh - tử của vợ mình.

Nắm được hoàn cảnh và nỗi bế tắc của gia đình bệnh nhân, khoa Bệnh nhiệt đới báo cáo trực lãnh đạo xin hỗ trợ. Và, rất nhanh chóng, một chuyến xe cấp cứu, hoàn toàn miễn phí được Bệnh viện điều động vận chuyển bệnh nhân lên đường trở về quê hương. 17h chiều đầu đông 3/11, trời đã nhá nhem tối, chiếc xe xuất phát đưa chị trở về nhà.

Chuyến xe gồm 4 thành viên: Lái xe, cán bộ y tế hộ tống, bệnh nhân Xèo Mẹ Biên cùng người chồng, trực chỉ hướng Tây, về vùng sâu vùng xa nhất của xứ Nghệ lăn bánh. Biết rằng, chuyến xe này sẽ là chuyến chở những nhịp tim cuối cùng của bệnh nhân, vẫn tiên lượng trước được rằng, sẽ khó vô cùng để có thể giúp gia đình hoàn thành tâm nguyện là chị Biên được trút hơi thở cuối cùng tại nhà, nhưng mọi người vẫn nỗ lực vì một niềm hi vọng.

Thế nhưng, dù chiếc xe cứu thương chạy tốc hành, nhanh nhất có thể; dù cán bộ y tế đã cố gắng hồi sức cấp cứu liên tục, nhưng chị Biên chỉ có thể cầm cự được một nửa chặng đường. Chiếc xe đến đất Con Cuông, cũng là khi bệnh nhân ngừng nhịp thở.

Không khí đêm đầu đông se lạnh, nhưng ngột ngạt, nặng trĩu. Tiếng sụt sịt khóc thương vợ của người chồng bắt đầu vang lên phía sau cabin. Thương xót đến nao lòng, nhưng hơn ai hết, những lúc này, tinh thần của những cán bộ y tế cần phải vững vàng.

Cán bộ y tế hộ tống động viên tinh thần và sức lực của người chồng bệnh nhân bằng hộp xôi, lon nước. Và anh lái xe vẫn cố gắng chắc tay lái, vững chân ga, điều khiển xe cứu thương tiếp tục lăn bánh trong đêm vắng.

23h15 đêm, chiếc xe cứu thương của Bệnh viện đến đích cuối cùng giữa vùng rừng núi hoang vu, tĩnh mịch xã Bắc Lý của huyện Kỳ Sơn. Đường núi cao gập ghềnh, khúc khuỷu, xe không thể tiến sâu vào bản làng, nên không thể bàn giao bệnh nhân tới tận nhà như mong muốn. Quãng đường còn tận 5km, nhưng lực bất tòng tâm, nỗ lực của người thầy thuốc đành phải dừng bước.

Được báo tin từ trước, những người con, họ hàng của bệnh nhân đã chờ sẵn đón xe chở chị về. “Lần đầu tiên chúng tôi được chứng kiến hoàn cảnh nghèo khổ đến cùng cực. Đường đồi núi vùng biên giới, đến xe máy cũng không thể di chuyển. Bệnh nhân được cuộn chặt trong một chiếc chăn, và dùng dây thừng cột vào gióng tre tươi vừa được chặt vội trong rừng.

Hai người hai đầu, đoàn người dò dẫm gánh bộ bệnh nhân tiếp tục về nhà, đi dưới ánh đèn pin hiu hắt, le lói trong màn sương đêm dày đặc. Chỉ khi bàn giao chị Biên về với gia đình, gửi lời chia buồn sâu sắc tới chồng con bệnh nhân, và khi đoàn người đi khuất xa sau những tán cây rừng, chúng tôi mới yên tâm quay xe với hành trình trở lại thành phố. Đồng hồ nhích kim qua những giờ phút của ngày mới từ lúc nào” - những cán bộ y tế trên chuyến xe đồng lòng chia sẻ.

Quên đi cơn đói và mệt của bản thân, người cán bộ y tế trên chuyến xe cứu thương đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Để rồi, bữa tối của các anh đến vào lúc 1h sáng, khi các anh đã yên tâm rằng, tập thể bệnh viện đã hỗ trợ bệnh nhân từ những bữa ăn từ thiện, chuyến xe cấp cứu nghĩa tình, và chu toàn tới giây phút cuối cùng của bệnh nhân: Nghĩa tử là nghĩa tận.

Với tiếng Kinh lơ lớ, giữa đêm vắng núi rừng, câu từ biệt của người chồng của bệnh nhân kèm tiếng cảm ơn chân thành gửi tới y, bác sĩ bệnh viện mãi ghi nhớ trong tâm trí họ.

Nguyễn Phê