Cậu bé “người cóc” đau đớn vì sần sùi, bong vảy toàn thân

(Dân trí) - Từ đầu đến chân cậu bé 5 tuổi ( trú tại huyện Hà Quảng, Cao Bằng) nổi vẩy, bong tróc toàn thân, nổi mủ khiến em vô cùng đau đớn. Không những thế, "căn bệnh lạ" còn khiến cậu bé bị kỳ thị, nhiều người không dám đến gần.

Sáng 16/10, bệnh nhi Chung Ngọc Thuyên (5 tuổi) ở xóm Pác Táng, xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng được gia đình đưa đến BV Da liễu Trung ương khám, sau gần 5 năm em bị căn bệnh quái ác, toàn thân nổi vẩy, bong tróc khiến bé vô cùng đau đớn. Mặc quần áo với em cũng là cực hình bởi mọi sự đụng chạm dù nhẹ nhất cũng khiến em òa khóc vì đau.

Cậu bé “người cóc” đau đớn vì sần sùi, bong vảy toàn thân - 1

PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương là người trực tiếp khám bệnh cho em. Dù rất nhẹ nhàng, động viên nhưng khi chạm vào bé cũng khóc ré lên vì đau.

Người nhà bệnh nhi cho biết, bé Chung mắc bệnh từ khi còn rất nhỏ. Khi được 2 tháng tuổi, trên cơ thể bé Thuyên đã xuất hiện những mụn đỏ, rồi mưng mủ. Dù gia đình đã làm đủ mọi cách, tắm đủ mọi lá theo lời mách bảo của người dân, nghe ở đâu có thuốc hay đều đưa đi chữa nhưng những nốt mụn mủ ngày càng nhiều, vỡ ra rồi thành vảy bám khắp từ đầu lớn chân bé. Cậu bé như là một "người cá" với những đám vảy ửng đỏ khiến bé luôn đau đớn, khó chịu. Bệnh nhi đã được điều trị tại địa phương, cứ dừng thuốc bôi lại tái phát.

Căn bệnh không chỉ khiến bé đau đớn, khó chịu mà người xung quanh nhìn thấy cũng khiếp sợ, rùng mình bởi những mảng vảy bong tróc, mẩn đỏ, thậm chí cả mủ mọc toàn thân em bé.

PGS.TS Lê Hữu Doanh cho biết, em bé có dấu hiện điển hình của bệnh vảy nến thể mủ toàn thân ở trẻ em. "Sáng nay, khi khám cho bệnh nhi, toàn thân da em bé ửng đỏ, bề mặt da có mủ lông trắng, bong nhiều vẩy. Đặc biệt, phần móng tay dầy móng, có mủ móng. Hiện chúng tôi chưa đánh giá được phần khớp của trẻ có bị tổn thương hay không vì cần phải khám, xét nghiệm kĩ hơn. Tình trạng bệnh khiến trẻ đau đớn, khó chịu và nguy cơ bội nhiễm rất cao nên đã được chỉ định nhập viện để được tiến hành điều trị triệu chứng, làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn đánh giá tình trạng bệnh của trẻ", PGS Doanh nói.

Về chi phí điều trị cho bệnh nhi, PGS Doanh cho biết em bé có BHYT nên chi phí nằm viện, thuốc men nằm trong danh mục BHYT chi trả sẽ được BHYT hỗ trợ. Riêng về tiền ăn của bệnh nhi, bệnh viện sẽ hỗ trợ cho gia đình. Còn với các xét nghiệm, thuốc nằm ngoài danh mục BHYT bệnh viện sẽ tìm nguồn để có thể hỗ trợ cho bệnh nhi được tốt nhất.

PGS Lê Hữu Doanh khám cho bệnh nhi.
PGS Lê Hữu Doanh khám cho bệnh nhi.

Theo PGS Doanh, hiện nay chưa có thống kê tổng thể số bệnh nhân bị bệnh vẩy nến nhưng ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới thì có khoảng 2 - 3% dân số mắc bệnh. Tại Bệnh viện cũng điều trị ngoại trú cho rất nhiều bệnh nhân vẩy nến, những người mắc vẩy nến thể mủ biểu hiện nặng nề hơn các thể bệnh khác.

"Bệnh vẩy nến nói chung liên quan sự mất cân bằng gen, dễ mẫn cảm Vẩy nến có nhiều thể, thể nhẹ không ảnh hưởng nhiều, thể nặng chiếm 5 - 10% trong số bệnh nhân mắc bệnh nhưng lại gây những triệu chứng rầm rộ, người bệnh đau đớn, khó chịu vì những mảng vảy dày đặc.

“Vẩy nến là bệnh lành tính, ít nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng nặng nề tới tâm sinh lý, thẩm mỹ người bệnh. Bởi khi mắc bệnh, trên da bệnh nhân xuất hiện nhiều nốt đỏ, sau đó bong vẩy. Những tổn thương với nhiều nốt bong tróc toàn thân trên da khiến người bệnh rất mặc cảm bởi người ngoài nhìn thấy là sợ. Vẩy nến đã được chứng minh không lây, không có sự di truyền. Như tình trạng của em bé này, dù rất nặng nề nhưng không lây truyền cho người khác", PGS Doanh khẳng định.

Những mảng bong tróc toàn thân khiến bệnh nhi đau đớn.
Những mảng bong tróc toàn thân khiến bệnh nhi đau đớn.

Vì thế, khi trên da xuất hiện các nốt đỏ, sau đó bong vẩy người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán thể mắc bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân không nên lo lắng, vì có thể khiến bệnh nặng hơn.

Hiện có nhiều phương pháp khống chế, quản lý bệnh này, bên cạnh đó, người bệnh không nên tự chữa theo phương pháp dân gian, tự mách nhau vì có thể khiến bệnh nặng hơn.

Theo các bác sĩ, nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, gia truyền quảng cáo chữa khỏi vẩy nến hoàn toàn là không chính xác Hiện có nhiều phương pháp điều trị vẩy nến nhưng hiện vẫn chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn. “Khỏi” ở đây thực ra là bệnh giảm thiểu trong một thời gian rồi lại bị, còn không thể khỏi hẳn được. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng ngừa thì bệnh có thể ít tái phát hoặc tái phát ở mức độ nhẹ và bệnh nhân lại cần điều trị lại.

Thế nhưng nhiều người bệnh lại không biết điều này, dù điều trị tại viện vẫn bôn ba khắp nơi để tìm thuốc chữa, thậm chí có người bỏ hẳn điều trị tại viện để theo thuốc lang. Tại BV Da liễu Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp tự tìm thuốc điều trị dẫn đến biến chứng gây đỏ da toàn thân, da nổi mụn mủ, khớp dính lại. Với những trường hợp bệnh nặng, vảy nến có thể gây biến dạng và phá hủy khớp không hồi phục. Một số bị nhiễm độc thuốc dẫn đến suy thận, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Thêm một yếu tố dẫn đến bệnh dễ tái phát, đó chính là tình trạng stress, lo lắng, buồn bã của người bệnh.Khi bị vẩy nến, người bệnh rất khó chịu, ngứa ngáy và cả đau đớn tại các tổn thương trên da (do nứt và chảy máu) nên họ thường xấu hổ, mặc cảm, lo lắng, buồn phiền, thậm chí là chán nản, buông xuôi, thất vọng...

Một “bài thuốc” tinh thần rất quan trọng với bệnh nhân vẩy nến là hãy chấp nhận, sống hòa bình với nó bởi stress làm bệnh trầm trọng hơn, nhanh tái phát hơn.

Đến nay vẩy nến được gọi là bệnh mãn tính kéo dài, việc điều trị cần quản lý suốt đời. Vì thế, người bệnh hãy chấp nhận và đi khám định kỳ để kịp thời điều trị những đợt tái phát. Tuyệt đối không nghe theo những lời đồn thổi, quảng cáo chữa khỏi vẩy nến hoàn toàn bởi đến nay, trên thế giới, y học chưa có loại thuốc nào có thể chữa khỏi dứt điểm căn bệnh này.

Hưởng ứng Ngày Vảy nến thế giới (29/10), từ ngày 22/10 đến ngày 31/10,BV Da liễu Trung ương sẽ tiến hành khám, tư vấn miễn phí và tặng những sản phẩm chăm sóc da đặc biệt cho bệnh nhân mắc vảy nến.

Thời gian khám vào buổi sáng, từ 8h-12h ngày 22/10/2018- 31/10/2018. Địa điểm: Phòng khám số 1 - Tầng 6 - Nhà Điều hành - Bệnh viện Da liễu Trung ương (15A – Phương Mai – Đống Đa – Hà Nội).

PGS Doanh cho biết, bệnh vảy nến thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20, có thể gặp ở người lớn tuổi ngoài 50, đôi khi ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi và nếu ở tuổi này thì thường có yếu tố gia đình với biểu hiện bệnh nặng hơn, kéo dài hơn. Tỷ lệ bệnh ở nam và nữ như nhau.

Bài và ảnh: Hồng Hải