Cắt bỏ quả thận lớn nhất thế giới nặng gần 3kg

(Dân trí) - Quả thận lớn nhất thế giới, cân nặng 2,75kg, đã được một nhóm các bác sĩ Ấn Độ phẫu thuật lấy ra từ một bệnh nhân bị bệnh thận đa nang di truyền.

Cắt bỏ quả thận lớn nhất thế giới nặng gần 3kg
Quả thận lớn nhất thế giới, cân nặng 2,75 kg, đã được một nhóm các bác sĩ Ấn Độ phẫu thuật lấy ra từ một bệnh nhân bị bệnh thận đa nang di truyền.

Bệnh nhân bị bệnh thận đa nang di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường (ADPKD) đã vài năm và phải vào bệnh viện Sir Ganga Ram (SRGH) ở New Dehli, Ấn Độ hồi tháng trước dau khi bị suy thận mạn kèm theo đau bụng và tiểu ra máu.

Các bác sĩ đã đi đến quyến định cắt bỏ cả hai thận để cứu tính mạng của bệnh nhân, căn cứ vào một lý do khác nữa là tình trạng người bệnh ngày càng xấu đi mặc dù đã được vào viện.

BS. Manu Gupta, một trong những ngời tiến hành ca mổ cho biết việc thực hiện là cả một thách thức vì thận bình thường chỉ nặng khoảng 130g, trong khi quả thận của bệnh nhân nặng tới 2,75kg, gấp 20 lần bình thường và bị dính vào ruột non xung quanh. Tuy nhiên ca mổ kéo dài 3 giờ đồng hồ đã thành công.

“Thậm chí quả thận kia của bệnh nhân cũng nặng 2,5kg và phải cắt bỏ trong một ca mổ khác diễn ra một tuần sau đó,” BS Gupta cho biết và nói thêm rằng tổng cộng hai quả thận đã khiến bệnh nhân phải mang thêm trong người tới 5kg.

Bệnh thận đa nang di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường (ADPKD) là một trong những dạng bệnh thận đa nang hay gặp nhất. Bệnh xuất hiện với tỷ lệ 1/400 đến 1/1000 ca sinh. ADPKD xảy ra trên khắp thế giới và ở mọi chủng tộc.

ADPKD thường khởi phát muộn, nghĩa là nhiều người bị ADPKD sẽ sống hàng chục năm mà không có triệu chứng suy thận. Người bị ADPKD thường có nhiều u nang ở cả hai thận và cũng có thể bị u nang ở các cơ quan khác như gan và tụy, các bất thường mạch máu như phình động mạch chủ và động mạch não tăng huyết áp, khuyết tật van tim và thoát vị thành bụng. Tăng huyết áp là vấn đề hay gặp nhất do hậu quả của ADPKD.

Khoảng một nửa số người bị ADPKD bị bệnh thận giai đoạn cuối khi đến tuổi 60.

Có 2 gen được biết là có liên quan với ADKPD. Gen PKD1 có ở khoảng 85% số người bị ADPKD. PKD2 có ở 15% số người bị ADPKD.

Xét nghiệm gen có thể phát hiện đột biến ở các gen PKD1PKD2. Tuy nhiên hiệu quả của xét nghiệm này bị hạn chế do hai yếu tố: nó không dự báo được khởi đầu và mức độ nặng của bệnh và hiện cũng chưa có cách nào điều trị triệt để nhằm ngăn ngừa khởi phát. Song người trẻ nếu biết mình mang đột biến gen PKD có thể chặn trước nguy cơ bệnh phát triển thông qua chế độ ăn và kiểm soát huyết áp.

Cẩm Tú

Theo Newsfirst và Genome