Cắt 2/3 lưỡi vì nghiện thuốc lá

Số bệnh nhân ung thư khoang miệng trong đó có ung thư lưỡi đang có xu hướng gia tăng. Đối tượng mắc bệnh ngày càng trẻ hóa trong đó hầu hết những bệnh nhân ung thư khoang miệng có tiền “nghiện” thuốc lá.

 

Cắt 2/3 lưỡi vì nghiện thuốc lá


Bệnh nhân Nguyễn V. L. 58 tuổi ở Ninh Bình được chuyển đến đến Bệnh viện K Trung ương trong tình trạng đầu lưỡi cứng và có một vết loét sâu. Theo bệnh nhân L. trước đây vì thường xuyên bị nhiệt miệng nên khi thấy lưỡi có một vài vết loét nên chỉ nghĩ là nhiệt miệng thông thường. Cho đến khi miệng cứng đơ, đau đớn không thể nuốt nổi miếng cháo ông mới tìm đến bệnh viện. Sau khi làm các xét nghiệm, nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư khoang miệng bệnh nhân đã được chuyển tiếp lên tuyến trên.

Tại đây bệnh nhân đã được xác định ung thư lưỡi giai đoạn cuối. Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa ngoại đầu cổ (Bệnh viện K) cho dù bệnh nhân đã phải phẫu thuật triệt căn, cắt bỏ 2/3 lưỡi nhưng nguy có thể vẫn còn. Bác sĩ Bảo cho biết bệnh nhân L. là một trong những trường hợp nhập viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, tuy nhiên với những bệnh nhân ung thư lưỡi đa số bệnh nhân phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Nguyên nhân là do các triệu chứng ban đầu của ung thư lưỡi không rõ ràng, thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý răng miệng thông thường khác. “Phần lớn các bệnh nhân ung thư lưỡi không có cảm giác đau ở giai đoạn đầu, đôi khi nhầm lẫn với nhiệt miệng nên người bệnh thường chủ quan và không đi khám. Nhưng khi tổn thương lớn lên mới xuất hiện nhiều triệu chứng như: xuất hiện hạch ở cổ, vết loét lâu ngày, màu trắng hoặc đỏ ở hai bên lưỡi, khó khăn khi nói, nhai, chảy máu lưỡi, đau tai…”, bác sĩ Bảo lưu ý.

Theo bác sĩ Bảo, thống kê cho thấy bệnh nhân ung thư khoang miệng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây trong đó đối tượng mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều bệnh nhân trong số này cho biết họ có hút thuốc lá, uống rượu. Hầu hết bệnh nhân ung thư khoang miệng đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, trong đó 90% bệnh nhân ung thư lưỡi được phát hiện khi các tổn thương đã lan rộng. Để phát hiện sớm bệnh bác sĩ Bảo khuyến cáo nếu người bệnh có các vết loét trong khoang miệng nhưng sau 3 tuần điều trị bằng kháng sinh không khỏi cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh với 16 triệu người hút thuốc lá, ước tính chi phí mua thuốc lá của người Việt Nam lên tới 22.000 tỷ đồng mỗi năm. Đây cũng là số tiền để điều trị 5 bệnh phổ biến liên quan đến thuốc lá gồm: ung thư phổi; ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ.

Tú Anh