Cặp sán dây “khủng” trong cơ thể người đàn ông ngoại quốc

(Dân trí) - Nam bệnh nhân đến gặp bác sĩ trong tâm trạng lo lắng sau nhiều lần phát hiện những đoạn dẹp màu trắng rơi ra từ hậu môn. Bằng phương pháp tẩy xổ, bác sĩ đã “bắt” được cặp sán dây dài khoảng 4m ra khỏi cơ thể người bệnh.

Đó là trường hợp của người đàn ông 40 tuổi, quốc tịch Thái Lan hiện đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương, Việt Nam. Ngày 21/5, thông tin từ Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng TPHCM (thuộc Bộ Y tế) cho biết, bệnh nhân đến gặp bác sĩ trong tình trạng hoang mang lo lắng sau nhiều lần phát hiện những đoạn dẹp màu trắng có chiều dài khoảng 3 đến 4cm rơi ra từ hậu môn. Khi bệnh nhân đi cầu “vật thể lạ” trên cũng theo phân ra ngoài.

Cặp sán dây “khủng” trong cơ thể người đàn ông ngoại quốc - 1

Ấu trùng sán dây ký sinh trong não của lợn thả rông được phát hiện tại Bình Phước

Sau khi thăm khám, xét nghiệm bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị nhiễm sán dây trưởng thành nên chỉ định tẩy xổ. Sau uống thuốc 3 giờ, bệnh nhân đi cầu ra nhiều đốt sán và 2 con sán dây có tổng chiều dài khoảng 4m. Đây là ca bệnh ít gặp khi người bệnh cùng lúc nhiễm 2 con sán dây trưởng thành.

Trước đó, cũng tại Viện này các bác sĩ đã “bắt” thành công con sán dây dài hơn 1m ra khỏi cơ thể nam bệnh nhân Võ Văn H. (21 tuổi ngụ tại quận Gò Vấp). Khai thác bệnh sử ghi nhận, bệnh nhân có thói quen ăn thịt tái. Cùng với con sán trưởng thành, kết quả xét nghiệm máu xác định, bệnh nhân dương tính với ấu trùng sán dây lợn phải theo dõi, điều trị.

Qua các trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, sán dây lợn là bệnh đang lưu hành trên diện rộng tại Việt Nam. Với đặc thù của  một nước nông nghiệp, tập quán chăn nuôi, sinh hoạt, ăn uống chưa hợp vệ sinh, dùng nhiều thịt sống, thịt tái, tiết canh… nguy cơ nhiễm giun sán trong cộng đồng luôn ở mức cao, đặc biệt là nhóm đồng bào các dân tộc miền núi.

Cặp sán dây “khủng” trong cơ thể người đàn ông ngoại quốc - 2

Cặp sán dây có chiều dài khoảng 4m được "bắt" ra khỏi cơ thể bệnh nhân

Trường hợp bệnh nhân ăn phải trứng sán khi vào cơ thể sẽ mắc ấu trùng lợn gạo, những người ăn phải ấu trùng khi ăn vào cơ thể sẽ phát triển thành con sán trưởng thành. Những bệnh nhân ăn phải trứng có thể đối mặt với nguy hiểm nếu trứng phát triển thành ấu trùng di chuyển đến mắt, não, tim và các cơ quan nội tạng khác. Bệnh nhân ăn phải ấu trùng phát triển thành sán dây trưởng thành hầu hết không nguy hiểm, chúng sẽ ký sinh trong cơ thể, sống cùng người bệnh.

Để tránh nguy cơ nhiễm sán, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng: không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, thịt bò, thịt dê, nem chua... (nguy cơ nhiễm bệnh sán dây trưởng thành); các loại rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

Bên cạnh đó cộng đồng cần quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột; sử dụng nhà cầu hợp vệ sinh; không nuôi và sử dụng thịt lợn thả rông. Trường hợp phát hiện ấu trùng sán dây hoặc sán dây trưởng thành trong cơ thể, bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế, các phòng khám chuyên khoa để điều trị kịp thời.

Vân Sơn