Cấp phép hành nghề y: Chậm và ẩu!

Thẩm định cấp phép sơ sài, buông lỏng hậu kiểm, nhiều bệnh viện, phòng khám nhiều năm liền không kiểm tra…

Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính vừa có kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về hành nghề y dược tư nhân tại TP.HCM. Nguồn cội của việc Thanh tra Bộ Y tế vào cuộc là do Sở Y tế TP.HCM cấp các loại phép này quá chậm trong khi thời hạn cuối cùng là cuối năm 2013 sắp đến. Năm 2012 có trường hợp đã phải khiếu nại lên cả UBND TP.

 

Thẩm định một cơ sở chỉ mất… 5 phút

 

Kết luận thanh tra nhận xét, việc tiếp nhận hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) và giấy phép hoạt động (GPHĐ), quá trình thẩm định hồ sơ và tại cơ sở đều chưa đảm bảo thời gian theo quy định. Quy định 60 ngày đối với CCHN và 90 ngày đối với GPHĐ nhưng Sở Y tế TPHCM làm trung bình 4-5 tháng, có trường hợp kéo dài 6-7 tháng.

 

Khi Sở Y tế đi thẩm định, có người có tên trong biên bản thẩm định nhưng lại không có mặt (kể cả trưởng đoàn). Thời gian thẩm định tại một cơ sở quá ngắn, có cơ sở thẩm định chỉ mất 5 phút, thậm chí cùng một thời điểm đoàn thẩm định tại… ba cơ sở khác nhau!

 

Người hành nghề y dược tư nhân đến phòng tiếp nhận và trả hồ sơ Sở Y tế TPHCM ngày 18/

Người hành nghề y dược tư nhân đến phòng tiếp nhận và trả hồ sơ Sở Y tế TPHCM ngày 18/9. Ảnh: TÙNG SƠN

 

Ngoài ra, Sở phê duyệt danh mục kỹ thuật chuyên môn cho một số cơ sở không đúng với phạm vi chuyên môn đã được ban hành theo GPHĐ. Thí dụ, phạm vi hoạt động chuyên môn của Phòng khám đa khoa Elizabeth, Phòng khám đa khoa Sài Gòn không có xét nghiệm vi sinh, ký sinh trùng, giải phẫu bệnh nhưng trong danh mục kỹ thuật chuyên môn do Sở Y tế phê duyệt lại có.

 

Kỹ thuật chưa được phép vẫn làm?

 

Qua thanh tra 18 cơ sở từ ngày 1 - 19/7/2013, Thanh tra Bộ Y tế nhận thấy có nhiều tồn tại. Chẳng hạn, về hồ sơ pháp lý, hầu hết giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân (hiện gọi là GPHĐ) được Bộ Y tế cấp trước đây đều đã hết hạn sử dụng. Hiện các bệnh viện này cũng đã làm thủ tục đề nghị Bộ Y tế thẩm định cấp phép. 18/18 cơ sở vẫn còn bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chưa có CCHN.

 

Tại thời điểm thanh tra, một số cơ sở y tế thực hiện những kỹ thuật chưa được cho phép như Phòng khám đa khoa Hòa Hảo (Medic)… “Tuy nhiên, phòng khám đã xin ý kiến Sở Y tế, Sở Y tế đã xin ý kiến Bộ Y tế vì theo Thông tư 41 (hướng dẫn cấp CCHN đối với người hành nghề và cấp GPHĐ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) quy định phòng khám đa khoa không được thực hiện những kỹ thuật này. Ngày 8-5 vừa qua, Bộ Y tế cũng đã có trả lời: Trong khi chờ chỉnh sửa Thông tư 41, đề nghị Sở Y tế TP.HCM thành lập đoàn thẩm định các điều kiện để cho phép thí điểm thực hiện các kỹ thuật tại Phòng khám đa khoa Hòa Hảo, đồng thời báo cáo kết quả để Bộ xem xét cho phép. Hiện Sở Y tế TP cũng đang tiến hành lập đoàn thẩm định để trình Bộ”, kết luận nêu rõ. Trong khi đó, nhiều phòng khám Trung Quốc nói riêng và các phòng khám bác sĩ Việt Nam như Pháp Luật TP.HCM đã từng nêu, các loại máy móc, kỹ thuật chưa được phép đều phải bị ngưng khi bị phát hiện và bị phạt rất nặng.

 

Ngưng ngay việc triển khai kỹ thuật chưa được phép

 

Từ những tồn tại trên, Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế có những biện pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp CCHN, GPHĐ, danh mục kỹ thuật cho các cơ sở hành nghề y trên địa bàn. Sở Y tế yêu cầu các cơ sở không đảm bảo điều kiện phải ngừng hoạt động để khắc phục.

 

Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở hành nghề y tư nhân chỉ được triển khai thực hiện những kỹ thuật chuyên môn đã được Bộ và Sở cho phép. “Sở Y tế giám sát việc khắc phục những tồn tại mà đoàn thanh tra đã nêu và báo cáo kết quả bằng văn bản về Thanh tra Bộ Y tế trong vòng 30 ngày” - kết luận thanh tra nêu rõ.

 

Đoàn thanh tra cũng kiến nghị Bộ Y tế cho phép các cơ sở hành nghề y tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động cho đến khi giấy cũ hết thời hạn, với điều kiện là cơ sở không thay đổi người phụ trách chuyên môn, hình thức tổ chức, phạm vi hoạt động chuyên môn và địa điểm hoạt động.
 

Mất gần một năm tôi mới làm được CCHN và GPHĐ

 

Việc cấp CCHN và GPHĐ tại Sở Y tế TP.HCM có nhiều bất cập: Không hề có hướng dẫn cụ thể cho người đi làm; mỗi viên chức hướng dẫn một kiểu; thái độ của viên chức tiếp nhận hồ sơ là hách dịch, cửa quyền; cố tình vận dụng sai hướng dẫn tại Thông tư 41 để kéo dài thời gian.

 

Thí dụ Thông tư 41 quy định khi nhận hồ sơ thì Sở Y tế phải cấp biên nhận hồ sơ. Trong biên nhận hồ sơ, viên chức Sở Y tế sẽ ghi chú tình trạng hồ sơ, giấy tờ nào đã đủ, giấy tờ nào còn thiếu cần bổ sung và thời gian trả hồ sơ. Sở Y tế không cấp biên nhận hồ sơ ngay từ đầu mà bắt người dân phải đủ hồ sơ mới cấp biên nhận, dẫn đến tình trạng nay thì nói thiếu cái này, mai lại nói thiếu cái khác, người này nói đúng, người kia lại nói sai… làm mất rất nhiếu thời gian, công sức. Tôi làm CCHN và GPHĐ mất gần một năm!

 

Một chủ phòng khám chuyên khoa

 

Theo Duy Tính

Pháp luật TPHCM