Cấp cứu ngưng tim, ngưng thở nhân viên y tế cũng… lơ mơ

(Dân trí) - Ở các nước phát triển, kỹ thuật cấp cứu ngưng tim, ngưng thở đã phổ cập trong cộng đồng nhưng tại Việt Nam vấn đề này chưa được chú trọng. Ngay cả nhân viên y tế cũng lơ mơ, khi gặp sự cố họ không biết phải xử lý thế nào nên người bệnh dễ mất mạng.

Đó là vấn đề được TS.BS Đỗ Quốc Huy, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, kiêm Trưởng bộ môn Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Y khoa Phạm Ngọc Thạch phân tích trong buổi Hội thảo “An toàn trong phẫu thuật thẩm mỹ” tổ chức tại TPHCM (ngày 30/11). Ông cho rằng: “Tai biến, biến chứng là phần tất yếu không tránh được trong khám chữa bệnh, nhưng phải ngăn ngừa, chủ động ứng phó nhằm đảm bảo an toàn người bệnh, an toàn phẫu thuật”.

Cấp cứu ngưng tim, ngưng thở nhân viên y tế cũng… lơ mơ - 1

Cấp cứu ban đầu được TS.BS Quốc Huy khẳng định có tính quyết định đến tiên lượng sống của người bệnh

Theo TS Huy,  ngưng tuần hoàn hô hấp là một cấp cứu khẩn cấp có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào từ đường phố đến giường ngủ của con người. Việc hồi sinh tim phổi tùy theo phân loại và phương tiện, trình độ nhưng mục đích tối thượng là nhanh chóng cung cấp tuần hoàn nhân tạo giúp thay thế tuần hoàn tự nhiên, tạo điều kiện cho hoạt động của não.

Chuỗi sống còn cho người bệnh phụ thuộc vào việc được phát hiện nhanh, gọi cấp cứu kịp thời, khử rung sớm, tiến hành hồi sinh tim phổi bằng ép tim tại chỗ… Tiên lượng sống còn sau cấp cứu của người bệnh phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn sơ cấp cứu ban đầu và bản chất của nguyên nhân gây ngưng tim, ngưng thở, trong đó các biến chứng của phẫu thuật nếu được cấp cứu ngưng tim ngưng thở kịp thời có thể giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, trở lại như bình thường.

Cấp cứu ngưng tim, ngưng thở nhân viên y tế cũng… lơ mơ - 2
Tại các bệnh viện, nhiệm vụ cấp cứu ngưng tim, ngưng thở được hiểu là của các bác sĩ, nhân viên y tế chưa được phổ cập kiến thức

Các nghiên cứu cho thấy nếu đội ngũ cấp cứu được huấn luyện tốt sẽ tăng khả năng cứu sống người bệnh trên 50% nếu được cấp cứu, khử rung trước 2 đến 5 phút có thể tăng lên 30% cơ hội sống. Tuy nhiên, trên thực tế chất lượng hồi sinh cho người bệnh chưa cao do những sai lầm về tổ chức công tác hồi sinh, cấp cứu; bỏ phí nhiều thời gian vào công việc kiểm tra mạch, nghe tim, tìm hơi thở; tổ chức hồi sinh tim phổi chưa đạt khi ngay cả bác sĩ cũng gặp những sai lầm như ép tim quá chậm, quá nông, gián đoạn quá trình ép tim…

Theo TS.BS Quốc Huy: “Phần lớn các trường hợp đáng tiếc xảy ra ở người bệnh khi rơi vào tình trạng cần cấp cứu đều là do thiếu tính tổ chức của người ứng cứu. Những trường hợp hồi sinh tim phổi đơn lẻ, tuyệt đại bộ phận người ứng cứu không biết phải làm gì do không có kiến thức; ở cấp cơ sở y tế khi một nhóm người cấp cứu thì không có sự phân công cụ thể công việc cho từng thành viên nên mạnh ai nấy làm mỗi người làm một cách, không ai tổ chức, không ai chỉ huy, không có sự phối hợp giữa các thành viên. Đôi khi rất nhiều người ra lệnh trong kíp cấp cứu những chẳng ai làm hoặc mỗi người chỉ đạo một kiểu”.

TS Quốc Huy cho rằng, nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng trên là do cấp cứu ngưng tim phổi chưa được coi trọng đúng mức. Trong khi ở các nước phát triển, những kỹ thuật hồi sinh tim phổi được truyền đạt đến mọi người dân trở thành kiến thức phổ cập từ khi còn trên ghế nhà trường thì tại Việt Nam các cấp chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công việc này. Tuyệt đại đa số người dân thiếu kiến thức cơ bản về hồi sinh tim phổi do không được phổ biến, truyền đạt và không có cơ hội tiếp cận.

Ngay cả trong các bệnh viện, đa số nhân viên y tế đều cho rằng đây là nhiệm vụ của các bác sĩ làm nhiệm vụ cấp cứu nên hầu hết không quan tâm. Ngoài xã hội thì cho rằng đây là nhiệm vụ của ngành y, họ quên rằng có thể chính họ và người thân của họ sẽ đối mặt với tình trạng cần cấp cứu bất kỳ lúc nào. 

Để chấn chỉnh tình trạng trên, nâng cao khả năng cấp cứu cho người bệnh TS.BS Quốc Huy cho rằng, Việt Nam cần sớm có giải pháp tăng cường truyền thông y tế, cải thiện nhận thức để tổ chức huấn luyện về hồi sinh tim phổi cơ bản cho cộng đồng bao gồm cán bộ công nhân viên; nhân viên y tế trong bệnh viện, bảo vệ, ngay cả người làm lao công cũng cần được học. Nhóm nhân viên y tế trong khoa cấp cứu, gây mê hồi sức cần được ưu tiên. Nếu được huấn luyện đến mọi nhân viên, ai cũng biết thực hiện và làm thành thục sẽ tăng khả năng cứu sống người bệnh.

Vân Sơn