Cảnh giác nếu trẻ nheo mắt khi nhìn

(Dân trí) - Theo PGS.TS Nguyễn Đức Anh, giảng viên Bộ môn Mắt Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Trưởng khoa khúc xạ Bệnh Viện Mắt Trung ương, các dấu hiệu cảnh báo tật khúc xạ nhiều khi không rõ ràng khiến cha mẹ chủ quan không đưa trẻ đi khám. Không ít trẻ đi khám lần đầu đã cận, loạn thị độ nặng vì sự chủ quan này.

Tại Hội thảo “Những trường hợp khó trong việc khám và điều trị tật khúc xạ ở Việt Nam” diễn ra tại BV Mắt Hà Nội 2, PGS Đức Anh thông tin, hiện tỷ lệ tật khúc xạ tại Việt Nam chiếm khoảng từ 15% đến 40%, tương ứng khoảng từ 14 đến 36 triệu người mắc tật khúc xạ.

PGS.TS Nguyễn Đức Anh. Ảnh: H.Hải
PGS.TS Nguyễn Đức Anh. Ảnh: H.Hải

Đặc biệt ở lứa tuổi học đường (6 đến 15 tuổi) tỉ lệ mắc tật khúc xạ rất cao, nhất là ở khu vực thành thị. Tỉ lệ mắc tật khúc xạ trẻ em thành thị từ 25% đến 40% ở khu vực thành thị, từ 10% đến 15% tại khu vực nông thôn. Ước tính có khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính.

“Ban đầu chỉ là các dấu hiệu, có xu hướng tiến gần vào màn hình khi xem ti vi, đọc sách gần mắt, hay có hiện tượng nheo mắt khi nhìn… nhiều bố mẹ cho rằng đó chỉ là thói quen xấu nên nhắc nhở con đứng xa ti vi, giữ khoảng cách đúng khi đọc sách… đến lúc nào đó thấy bất thường đưa đi khám đã cận, hay loạn thị vài độ”, PGS Đức Anh nói.

Do chủ quan không đi khám sớm để được phát hiện và điều trị sớm, tật khúc xạ ở mắt sẽ gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt, ảnh hưởng học tập, thậm chí gây ra rối loạn khác ở mắt: bị lác, nhược thị…

Vì thế, khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường khi nhìn, cần đưa trẻ đi kiểm tra tại các cơ sở chuyên khoa mắt để được chẩn đoán đúng về tật khúc xạ, điều chỉnh kính kịp thời.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trên thực tế một tỉ lệ không nhỏ trẻ em được chỉnh kính không đúng. Nguyên nhân khiến nhiều trẻ dù được gia đình mua kính đeo nhưng kính không đúng chuẩn, đúng số khiến dù đã đeo kính nhưng khả năng nhìn vẫn rất hạn chế.

Không chỉ chưa chuẩn về số kính, mà có những trẻ đeo kính gọng rộng, trễ xuống mũi nên mỗi khi nhìn đều phải rướn mắt, có em lại đeo mắt kính áp sát vào mắt... là không đúng kỹ thuật và gây ảnh hưởng nhiều đến tầm nhìn. Một cặp kính thuốc không chỉ cần phải đo về độ cận, mà còn phải đảm bảo chiều rộng của gọng, chiều dài của càng kính. Mắt kính đúng công suất, đúng tâm trục thị giác, khoảng cách từ kính đến mắt… mới đảm bảo được thị lực tối đa khi chỉnh kính.

Tuy nhiên, không phải ở cửa hàng kính tư nhân nào cũng có kỹ thuật viên nắm được những điều cơ bản này. Vì thế, nhiều người bị tật khúc xạ nhưng đeo kính lại nhìn hình méo, gây nhức, mỏi mắt.

PGS Đức Anh đặc biệt khuyến cáo các bậc phụ huynh khi đưa trẻ đi khám khám thị lực cần phải thực hiện ở những nơi có chuyên môn. Đặc biệt là với trẻ em, cần phải thực hiện đúng quy trình khám mới đánh giá chính xác mức độ cận thị, tránh tình trạng đeo kính oan vì cận thị giả, đeo kính mà thị lực trẻ vẫn không đạt, thậm chí gây nhức, mỏi mắt ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của trẻ.

Nằm trong chương trình chăm sóc mắt cho trẻ em, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng đã hợp tác với Bộ môn Mắt, trường Đại học Y Hà Nội khám sàng lọc cho hơn 1.500 học sinh trường THCS Thăng Long - Ba Đình, Hà Nội.

Hồng Hải