Quảng Nam:

Cảnh báo tình trạng kinh doanh máy massage chữa bệnh không rõ nguồn gốc

(Dân trí) - Công an huyện Tiên Phước, Quảng Nam vừa kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh máy massage không có nguồn gốc xuất xứ, không có công dụng chữa bệnh như giới thiệu, gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xuất hiện các cơ sở kinh doanh máy massage với lời giới thiệu, quảng cáo chữa nhiều bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến người lớn tuổi. Tại các cơ sở kinh doanh, người dân được nằm trải nghiệm miễn phí. Sau thời gian trải nghiệm, nhiều người dân đã mua máy massage với giá dao động từ 55-70 triệu đồng kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Cảnh báo tình trạng kinh doanh máy massage chữa bệnh không rõ nguồn gốc - 1

Đệm máy massage được Công an huyện Tiên Phước thu giữ. (Ảnh: Công an huyện Tiên Phước)

Tại huyện Tiên Phước, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện nhận được nhiều phản ánh của quần chúng nhân dân về việc thời gian qua, xuất hiện hình thức kinh doanh máy massage có dấu hiệu bán hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không có hóa đơn chứng từ, không có công dụng chữa bệnh như giới thiệu gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng.

Công an huyện Tiên Phước đã tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh do ông Trần Văn Hải (trú đường Trần Quý Cáp, thị trấn Tiên Kỳ) làm chủ.

Qua kiểm tra, Công an huyện Tiên Phước phát hiện hộ kinh doanh này đang có hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng mẫu sử dụng không có hồ sơ, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên đã tiến hành tạm giữ 12 giường massage hiệu Vigen, model Top 8500M – Speccial, 39 dây nịt gắn đá hình lục giác màu trắng, có gắn nhãn da có ký tự chữ nước ngoài, 14 hộp giấy hình chữ nhật có nhiều ký tự chữ nước ngoài, trong đó có chữ glucosamine; 97 mặt đá màu trắng, hình con rùa; 542 viên đá màu trắng hình trụ lục giác và nhiều sản phẩm khác liên quan đến việc chữa bệnh của máy massage.

Thời gian qua, tại cơ sở này đã tổ chức giới thiệu các sản phẩm trên với công dụng chức năng chữa nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến người cao tuổi và tổ chức cho người dân nằm máy massage trải nghiệm chữa bệnh.

Hàng ngày tại cơ sở này có hàng trăm người từ khắp nơi trên địa bàn huyện đến để trải nghiệm. Sau thời gian trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm, nhiều người dân đã mua máy massage với giá dao động từ 60-70 triệu/1 máy trong khi giá trị thực của máy nhỏ hơn nhiều lần so với giá bán.

Nhiều người dân vì tin công dụng chữa bệnh nên đã vay mượn tiền để mua, hoặc nhiều người cùng chung tiền để mua máy cùng sử dụng. Tuy nhiên, chỉ qua một thời gian sử dụng, máy đã hư hỏng và không có tác dụng chữa bệnh như giới thiệu.

Phó trưởng Công an huyện Tiên Phước - Trung tá Trần Ngọc Trung - cho biết, khi lực lượng Công an kiểm tra thì chủ cơ sở xuất trình giấy tờ, hồ sơ chứng từ đầy đủ về máy massage, tuy nhiên công an huyện đã kiểm tra thực tế tại đơn vị chức năng của cảng Đình Vũ (Hải Phòng), nơi nhập khẩu máy này theo hồ sơ của chủ cơ sở thì toàn bộ hồ sơ, chứng từ đó là giả, không liên quan giữa chứng từ và số hiệu máy.

Do đó, những máy massage hiệu Vigen, model Top 8500M – Speccial là sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, khi bán cho người dân, họ đã cung cấp các giấy tờ như đã trình với cơ quan công an, tuy nhiên người dân không thể thẩm định được những giấy tờ đó có hợp lệ hay không.

Không chỉ ở huyện Tiên Phước mà ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra tình trạng tương tự. Công an tỉnh Quảng Nam cũng cảnh báo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng xấu lợi dụng gây tiền mất, tật mang. Nhất là khi mỗi máy massage được bán với giá hàng chục triệu đồng, với người dân không phải là số tiền nhỏ.

Công Bính