Cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng:

Cần xử phạt triệt để các hành vi vi phạm

(Dân trí) - “Chính phủ Việt Nam phải nghiêm khắc trong việc thực hiện các quy định liên quan đến cấm hút thuốc lá và xử phạt triệt để những hành vi vi phạm. Có như vậy người dân Việt Nam mới được hít thở không khí trong lành hơn ở nơi công cộng”..

Cần xử phạt triệt để các hành vi vi phạm - 1
Bà Sandra Mullin - Phó Chủ tịch cao cấp, phụ trách
 truyền thông - Quỹ Lá phổi thế giới
Bà Sandra Mullin - Phó Chủ tịch cao cấp, phụ trách truyền thông - Quỹ Lá phổi thế giới (tổ chức World Lung Foundation) nhấn mạnh khi trao đổi với Dân trí xung quanh chiến dịch truyền thông quốc gia về kiểm soát thuốc lá vừa được Bộ Y tế phối hợp với tổ chức Y tế thế giới và Quỹ lá phổi thế giới phát động.

Bà đánh giá như thế nào về tình hình người Việt Nam sử dụng thuốc lá?

Việt Nam đứng trong top 15 những nước có người hút thuốc nhiều nhất thế giới. Thuốc lá giết chết khoảng 40.000 người Việt Nam mỗi năm. Một nửa số đàn ông trưởng thành Việt Nam hút thuốc lá và khoảng 2/3 phụ nữ cùng trẻ em là những người hút thuốc thụ động ở nhà và ở nơi công cộng.

Chính vì vậy, chúng tôi rất tán thành việc chính phủ Việt Nam phê chuẩn Quyết định 1315 đặc biệt là việc cấm hút thuốc ở nơi cộng cộng được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/1/2010. Đó có thể coi là một bước ngoặt căn bản nhằm bảo vệ người dân khỏi những tác hại do thuốc lá gây ra.

Mặc dù đã có những cảnh báo về những tác hại của thuốc lá trên vỏ bao nhưng tỷ lệ người hút thuốc tại nơi công cộng vẫn có chiều hướng không giảm, vậy theo bà thì nguyên nhân chủ yếu là do đâu?

Chúng ta nên coi những dòng chữ cảnh báo trên vỏ bao thuốc lá chỉ là bước đầu tiên trong quá trình giáo dục cộng đồng về tác hại của thuốc lá và điều đó chưa đủ mạnh.

Những thông điệp với hình ảnh với màu sắc thật và sống động có thể coi là bước tiếp theo nhằm tác động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn vào nhận thức của người hút thuốc lá cũng như người không hút.

Các nghiên cứu quốc tế đều chỉ ra rằng những cảnh báo bằng hình ảnh trên toàn bộ bao thuốc lá và hình ảnh mô tả trực quan các bệnh tật và tác động của thuốc lá lên cơ thể có thể khiến người đang hút thuốc từ bỏ thuốc lá và ngăn những người bắt đầu có ý định hút thuốc lá.

Việt Nam đang có chủ trương thực thi một môi trường không khói thuốc (tại các điểm công cộng, khu đông người) vậy với kinh nghiệm của bà thì điều này liệu có thành hiện thực?

Đúng vậy. Điều này hoàn toàn có thể trở thành sự thực. Bạn hãy nhớ rằng đa số mọi người là những người không hút thuốc lá và tại tất cả các quốc gia, phần lớn người dân đều muốn sống trong một môi trường công cộng không có khói thuốc.

Các nước Pháp, Ireland, Uruguay, Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan là ví dụ cụ thể về các quốc gia nơi việc cấm hút thuốc ở địa điểm công cộng đã trở thành một điều hoàn toàn bình thường. 
 
Ngoài ra, Lào cũng vừa thông qua một điều luật quy định về hút thuốc lá, tạo ra một tiền lệ hoàn toàn mới trong khu vực.

Trên thực tế, tạo ra môi trường không khói thuốc là điều hoàn toàn có thể làm được bởi vì việc đó không hề tốn kém. Khoản đầu tư lớn nhất cho quá trình này vào giáo dục và bắt buộc cộng đồng phải tôn trọng những quy định liên quan đến hút thuốc lá.

Hiện tại, tổ chức World Lung Foundation đang thực hiện hỗ trợ cho công tác giáo dục cộng đồng thông qua việc triển khai một chiến dịch truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cảnh báo mọi người về quy định của pháp luật liên quan đến thuốc lá và tác hại của khói thuốc lên những người hút thuốc thụ động.

Theo Quyết định 1315 của Chính phủ,  bắt đầu từ 1/1/2010 nghiêm cấm hút thuốc lá từ  ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Tổ chức World Lung Foundation từng tham gia rất nhiều chương trình hỗ trợ thực hiện quy định không hút thuốc lá ở nơi công cộng ở các quốc gia khác nhau, vậy bà đánh giá như thế nào về mức độ “khó” ở Việt Nam?

Thực ra mỗi quốc gia đều có đặc điểm khác nhau, tuy nhiên việc tạo ra một môi trường không khói thuốc ở các quốc gia lại có nhiều điểm tương đồng.

Điều khó khăn để thực hiện mục tiêu này, thứ nhất đó là phần lớn người dân, kể cả người hút thuốc đều muốn có những khu vực dành riêng để hút thuốc nhưng rất ít người bày tỏ mong muốn đó.

Thứ hai, ở những điểm công cộng như khu vui chơi, giải trí, nhà hàng khách sạn, phản ứng ban đầu của ban quản lý khi được đề nghị thiết kế một khu dành riêng cho người hút thuốc lá là không hợp tác cho đến tận thời điểm họ nhận thức được rằng tạo ra một môi trường không khói thuốc hoàn toàn không ảnh hưởng tiêu cực đến công việc kinh doanh mà thậm chí còn đem đến nhiều lợi ích hơn.

Điều này đã được chứng minh ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng những bước đi mà chính phủ Việt Nam đang cùng các tổ chức NGO phối hợp thực hiện sẽ đem lại kết quả khả quan tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành một quốc gia không khói thuốc.

Ở Việt Nam số người sử dụng thuốc là tương đối nhiều nhưng vẫn chưa có một chế tài nào đối với việc hút thuốc nơi công cộng. Nhiều người cho rằng để hạn chế điều này cần phải nâng cao ý thức cộng đồng. Theo cá nhân bà thì quan điểm này có khả thi hay không? Nếu không thì bà có đề xuất gì cho Chính Phủ Việt Nam?

Theo tôi, truyền thông và giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng và doanh nghiệp là một trong những biện pháp quan trọng nhằm đảm bảo cho quá trình tạo dựng môi trường không khói thuốc.

Tất cả mọi người đều cần phải hiểu rằng Quyết định 1315/ QĐ-Ttg của chính phủ về việc thực hiện công ước khung về kiểm soát thuốc lá bảo vệ họ về mặt nào, họ phải tôn trọng những quy định của Quyết định này thế nào và họ có thể được hưởng lợi những gì.

Trên thực tế, chiến dịch do bộ Y tế Việt Nam và tổ chức World Lung Foundation phát động là một phần quan trọng trong nỗ lực của chính phủ nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là thông tin tuyên truyền phải rõ ràng và Chính phủ phải nghiêm khắc trong việc thực hiện các quy định liên quan đến cấm hút thuốc lá và xử phạt triệt để những hành vi vi phạm, có như vậy người dân Việt Nam mới được hít thở không khí trong lành hơn ở nơi công cộng.
 
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Nguyễn Hùng (thực hiện)