Cẩn thận với túi chườm, dầu nóng

Những dụng cụ chườm nóng, dầu nóng, rượu xoa bóp… luôn hiện diện trong tủ thuốc nhà bà T.C.L (46 tuổi; ngụ quận 5, TP HCM) kể từ khi cậu con trai 15 tuổi của bà bắt đầu đi luyện võ.

Với môn thể thao ấy, việc đau mỏi cơ hay nặng hơn là bị các chấn thương nhỏ gây bầm, bong gân, trật khớp… là khó tránh. Lúc nào thấy con đi tập về than đau, bà L. cũng cuống quýt đi lấy dầu bôi cho cậu, rồi dùng khăn thấm nước ấm, luộc trứng nóng để chườm, lăn với hy vọng các vết thương chóng lành, bớt đau. Một lần cậu bị ngã khá nặng, một bên lưng ê ẩm mỗi khi cử động, dù đã xoa dầu nóng hằng ngày nhưng 2 tuần vẫn không khỏi. Tuy nhiên, sau đó, bà T. đi công tác 3 ngày, cậu không nhớ đến việc xoa dầu và tự nhiên lưng lại khỏi đau!

Còn anh Ng.V.V (25 tuổi; ngụ quận Tân Bình, TP HCM) bị trật khớp, bong gân ở ngón trỏ bên trái vì ngã xe trên đường từ quê về TP HCM sau kỳ nghỉ. Giữa đường không có gì sơ cứu, anh lấy chai dầu nóng trong giỏ ra bôi tạm rồi tiếp tục hành trình. Khi về đến nhà, do mệt sau chuyến đi xa nên anh nghỉ ngơi suốt chủ nhật đó. Đến sáng thứ hai, thấy tay bớt sưng nên anh đi làm và cũng chỉ bôi dầu vài lần cho bớt đau. Tối hôm đó, đang ngủ thì anh tỉnh giấc, thấy ngón tay sưng vù, nhức nhối nên phải vào bệnh viện ngay trong đêm. Bác sĩ (BS) giải thích có thể trong khi ngủ, anh đã vô tình va chạm ngón tay bị thương, khớp bị trật chưa nắn chỉnh đúng lại bị tác động nên sưng đau.

Theo TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, xét về mặt y khoa, dầu nóng, túi chườm nóng có thể giúp người bị nạn cảm thấy dễ chịu hơn sau các chấn thương bong gân, trật khớp, bầm tím… bởi nhiệt độ giúp làm giãn mạch và tăng lưu thông máu nên giúp vết thương mau lành. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng lúc, lạm dụng hoặc vội chườm, bôi thay vì làm những thao tác cần thiết trước thì sẽ phản tác dụng.

Thông thường, khi gặp chấn thương thì biện pháp chườm lạnh (đơn giản nhất là bọc đá cục trong vài lớp khăn) vẫn được các chuyên gia tính đến bởi nó giúp giảm đau tại chỗ, làm co mạch máu và giảm sưng nề hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này cũng chỉ nên làm trong khoảng 6 giờ đầu sau chấn thương.

Theo BS Lý, việc băng ép, cố định vùng bị thương vẫn nên được ưu tiên hơn cả thay vì cứ lo bôi, chườm. Sau 3 giờ, các vết thương do va chạm dễ bị xung huyết tại chỗ. Việc băng ép sẽ hạn chế được xung huyết rất tốt mà không cần bôi gì cả. Trong các tình huống có thương tổn như bong gân, trật khớp, việc cố định vùng bị thương ở tư thế trung tính trên đường di chuyển đến cơ sở y tế là rất cần thiết.

Theo Thu Anh

Người lao động