Cần làm gì khi bị say rượu, ngộ độc rượu

(Dân trí) - Uống với nhau cốc bia, chén rượu để mừng Tết đến xuân sang, nhưng cũng đừng vì những “chén chú chén anh” quá đà mà để mất Tết.

Lịch trình ken đặc của những buổi tiệc tất niên, liên hoan cuối năm, chúc Tết khiến nhiều người khó tránh được cảnh quá chén, dẫn đến say rượu và nặng hơn là ngộ độc rượu.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc rượu có thể diễn biến trầm trọng nếu không được xử lý kịp thời và thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cần làm gì khi bị say rượu, ngộ độc rượu - 1

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

 “Hàng năm, cứ vào thời điểm trước Tết, lượng bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc rượu lại tăng vọt và thường trong tình trạng rất nặng như: xơ hóa gan, xuất huyết đường tiêu hóa…Những bệnh nhân này chắc chắn nằm viện qua Tết chứ không thể điều trị ngày một ngày hai” – BS Trung Nguyên cảnh báo về nguy cơ mất Tết chỉ vì lỡ quá chén vào những bữa tiệc cuối năm.

Cần làm gì khi bị say rượu, ngộ độc rượu

Theo BS Nguyên, những người bị ngộ độc rượu thường có biểu hiện hôn mê, thở yếu, thở khò khè, tụt lưỡi…

Kỹ năng xử lý ban đầu khi người thân bị ngộ độc rượu là rất quan trọng để tình trạng không bị diễn biến nặng lên và có thể dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng.

Cần làm gì khi bị say rượu, ngộ độc rượu - 2

“Chúng ta cần thực hiện các biện pháp để đảm bảo chức năng sống của người bị say rượu, ngộ độc rượu được ổn định, để không bị diễn biến nặng lên” – BS Nguyên phân tích. Qua hướng dẫn của chuyên gia Chống độc này, có thể tổng kết những nguyên tắc chăm sóc, sơ cứu cho người say rượu, ngộ độc rượu như sau:

-Cần đặt người đặt người bệnh nằm nghiêng sang một bên để hạn chế việc bệnh nhân khi nôn, trớ ra lại hít vào phổi. Đồng thời, tư thế nằm này cũng giúp hạn chế hiện tượng tụt lưỡi.

-Thực hiện các biện pháp ủ ấm bởi người say rượu, ngộ độc rượu rất dễ bị mất nhiệt.

-Trong trường hợp bệnh nhân có thể ăn được thì nên cho bệnh nhân ăn, chú ý bổ sung thêm gluxit, các chất đường bởi bệnh nhân bị ngộ độc rượu rất dễ bị tụt đường huyết do bản thân rượu gây ra, đồng thời một phần lý do đến từ việc khi uống rượu thường ăn rất ít. Đặc biệt, với những người gầy yếu, suy dinh dưỡng, trẻ em thì nguy cơ tụt đường huyết lại càng cao.

Cần làm gì khi bị say rượu, ngộ độc rượu - 3

Có thể dùng oresol để bù nước và điện giải cho người ngộ độc rượu.

- Một biện pháp cũng rất quan trọng khác chính là bù nước và bù muối cho bệnh nhân. “Khi say, người ta thường nôn nhiều, vã mồ hôi, không được ăn được dẫn đến tình trạng mất nước, mất điện giải” – BS Nguyên cho biết. Trong trường hợp này, phương pháp bù nước, bù muối hiệu quả và dễ thực hiện ngay tại nhà chính là cho uống nước hoa quả, uống nước canh pha muối, nước oresol, nước khoáng có muối…

BS Nguyễn Trung Nguyên cũng lưu ý, người bị ngộ độc rượu, tùy theo thể trạng, mà có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cần đặc biệt theo sát để đề phòng các biến chứng, diễn biến xấu xảy ra, nhằm có biện pháp đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

BS Nguyên khẳng định: “Dựa trên các thông tin về y học hiện nay thì không có một biện pháp nào được áp dụng ngoài cộng đồng, mà có tác dụng giải rượu”. Theo chuyên gia này, một số mẹo mà người dân đang áp dụng chỉ mang tính hỗ trợ thêm, tăng thải trừ rượu. Vì vậy, cách tốt nhất để phòng tránh ngộ độc rượu chính là mỗi người dân tự ý thức về sự nguy hiểm của thức uống có cồn này và từ đó biết tiết chế trong việc sử dụng bia rượu, đặc biệt là vào dịp Tết.

Minh Nhật