Đồng Tháp:

Cách nào nhận biết trái cây không an toàn?

(Dân trí) - Trong khi việc tìm mua hóa chất thúc chín trái cây an toàn quá đơn giản thì cách duy nhất để người tiêu dùng không mua phải những trái cây chín "ép" là học cách phân biệt trái cây chín tự nhiên hay trái có hóa chất.

Đến 3 cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật tại phường 3, TP.Cao Lãnh hỏi mua thuốc mau chín trái cây, có tới 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm và quả quyết trái sống, non cỡ nào ngâm thuốc cũng sẽ chín sau 1-2 ngày.

Đến cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) T.C (gần chợ Cao Lãnh, phường 3, TP.Cao Lãnh) hỏi mua thuốc làm trái cây mau chín, chủ cửa hàng hướng dẫn: “Chai thuốc làm chín trái này giá 45 ngàn đồng. Trái cây vừa bẻ xuống đem ngâm thuốc 15 phút mới lấy ra, riêng bơ thì chỉ nhúng thuốc sơ qua”.

Tại cửa hàng P.H, (phường 3, TP.Cao Lãnh), chủ cửa hàng cũng hướng dẫn tương tự: “Pha thuốc này với nước rồi nhúng trái sầu riêng hay bất cứ trái cây nào vào là chín. Loại này mấy vựa trái cây mua cả thùng về dùng”.

Anh N.T.C, ngụ phường Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh, người trước đây từng thu hoạch sầu riêng thuê, cho chúng tôi biết, khi chủ thu hoạch sầu riêng là cho trái vào các chậu nước pha sẵn hóa chất để làm cho trái mau chín”.

Người tiêu dùng cần làm gì để phòng ngừa trái cây bị “tắm” hóa chất
Để bảo vệ mình, người tiêu dùng nên mua trái cây khi biết rõ nguồn gốc nhưng nơi bán tin cậy, như siêu thị...

Nói về việc hiện nay trên thị trường có hay không hóa chất làm cho trái cây mau chín, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục Trưởng Chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp, cho biết, đến thời điểm này chỉ nghe thông tin trên báo đài là có thuốc làm trái cây chín nhanh và không có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Cũng theo bà Ánh, trong năm 2013, khi nhận được thông tin phản ánh về một số sản phẩm giúp trái cây mau chín, kéo dài thời gian bảo quản trên thị trường, Chi cục đã phối hợp Công an tỉnh lấy mẫu kiểm tra. Kết quả là thuốc nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và không phải thuốc giúp trái mau chín. Thời gian qua, Phòng Thanh tra thuộc Chi cục BVTV tỉnh cũng có thanh tra các cửa hàng thuốc BVTV nhưng không phát hiện loại thuốc mau chín.

Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên về an toàn vệ sinh thực phẩm, Trường Cao đẳng Công đồng Đồng Tháp, cho biết: Hầu hết những thuốc mau chín dạng ngâm trực tiếp hoặc bơm hóa chất vào sầu riêng, mít,… đều chưa qua quá trình kiểm duyệt, thuộc nhóm chất cấm. Tùy theo nhóm chất mà ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Theo kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, việc dùng máy "làm sạch" trái cây không thực sự hiệu quả vì máy chỉ có tác dụng với vi sinh vật chứ hóa chất thì rất ít. Thực tế ngâm quả với nước muối chỉ làm thay đổi tỷ trọng của nước để diệt trứng giun sán chứ hoàn toàn không có tác dụng với hóa chất.

Để sử dụng trái cây an toàn, kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo người tiêu dùng khi mua trái cây phải lưu ý nguồn gốc xuất xứ, nên mua tại các cơ sở có chứng nhận cơ quan chức năng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần lựa những trái cây có màu sắc tươi đẹp, không bị dập úng, không có những biểu hiện lạ như nấm mốc. Đặc biệt là khi ngửi phải có mùi đặc trưng của quả đó thì trái cây đó mới an toàn. 

Ví như nếu có thuốc trừ sâu, xoài sẽ có mùi rất “hắc” hay sầu riêng có thuốc trừ sâu sẽ bị thâm đen đầu cuống, chứ không tươi xanh, mùi sẽ kém hơn và độ tươi xốp của mũi cũng không bằng trái sầu riêng để chín tự nhiên.

Trong quá trình bảo quản trái cây, nếu thấy để lâu mà trái vẫn tươi thì không nên dùng. Điều đặc biệt nữa là nếu không biết rõ nguồn gốc trái cây thì nên gọt bỏ vỏ và gọt sâu vào trong vì phần bên trong trái cây có lưu lượng thuốc bảo vệ thực vật ít hơn.

H. N - Nguyễn Hành