Các xét nghiệm trong bệnh đái tháo đường

(Dân trí) - Có thể cần thời gian để các triệu chứng của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) xuất hiện. Tuy nhiên, bác sĩ có thể phát hiện tình trạng bệnh ở giai đoạn đầu bằng cách thực hiện các xét nghiệm khác nhau.

Những xét nghiệm này có thể phát hiện các dạng bệnh ĐTĐ khác nhau, bao gồm ĐTĐ týp 1, týp 2 và ĐTĐ thai kỳ.

Bài viết mô tả các dạng bệnh ĐTĐ và các xét nghiệm phát hiện ra chúng, bao gồm cả quá trình và kết quả, cũng như các bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà và khi nào cần đi khám bác sĩ.

Các xét nghiệm trong bệnh đái tháo đường - 1

ĐTĐ týp 2

Các bác sĩ có thể sử dụng một số xét nghiệm khác nhau để phát hiện bệnh ĐTĐ týp 2. Ở người mắc bệnh này, cơ thể sản xuất insulin nhưng không thể sử dụng nó một cách hiệu quả.

Hemoglobin A1c

Một trong những xét nghiệm ĐTĐ phổ biến nhất là xét nghiệm A1c.

Bác sĩ cũng có thể gọi xét nghiệm này là xét nghiệm hemoglobin A1c, HbA1c hay xét nghiệm glycated hemoglobin. Nó đo sự gắn kết của các phân tử glucose (đường trong máu) với hemoglobin, một thành phần của hồng cầu.

Kết quả xét nghiệm A1c cho thấy mức đường huyết trung bình của một người trong 3 tháng. Nếu mức này cao hơn 5,7%, nó cho thấy có một lượng glucose cao bất thường nhất quán trong máu, theo Viện bệnh ĐTĐ, bệnh tiêu hóa và bệnh thận quốc gia(NIDDK) Mỹ.

Người bệnh không phải nhịn ăn trước xét nghiệm, và chỉ cần lấy một mẫu máu nhỏ.

Bác sĩ có thể chẩn đoán ĐTĐ chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm A1c. Tuy nhiên, dạng ĐTĐ duy nhất mà xét nghiệm này có thể phát hiện là ĐTĐ týp 2.

Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói

Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói (FPG) yêu cầu người bệnh không được ăn hoặc uống trong 8 giờ trước khi lấy mẫu máu. Phòng khám thường sẽ lên lịch xét nghiệm vào buổi sáng sớm và xét nghiệm thường bao gồm lấy máu từ ngón tay, mà một số chuyên gia y tế gọi là "xét nghiệm chích máu ngón tay", hoặc lấy máu từ tĩnh mạch ở cánh tay.

Xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên

Xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên (RPG) cũng thường bao gồm chích máu ở ngón tay hoặc lấy máu từ tĩnh mạch cánh tay. Sự khác biệt chính giữa xét nghiệm này và xét nghiệm FPG là RPG không yêu cầu người bệnh phải nhịn ăn.

ĐTĐ týp 1

ĐTĐ týp 1 có thể khó chẩn đoán. Bệnh phát triển khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, một hoóc-môn cần thiết để xử lý lượng đường trong máu.

Nếu không điều trị, ĐTĐ týp 1 có thể khiến mức đường huyết của người bệnh tăng rất cao. Điều trị bao gồm tiêm insulin.

Nếu bác sĩ nghi ngờ ĐTĐ týp 1, họ sẽ kiểm tra xem liệu người đó có đang gặp phải các triệu chứng của bệnh hay không, có thể bao gồm các triệu chứng cực kỳ mệt mỏi và giống như cúm.

Bác sĩ cũng có thể sử dụng các xét nghiệm sau:

• FPG: Xét nghiệm máu này cho biết cơ thể xử lý glucose tốt thế nào.

• Test dung nạp glucose đường uống: Đối với xét nghiệm này, người bệnh cần phải nhịn ăn và sau đó uống dung dịch có chứa glucose. Nhân viên y tế sau đó sẽ đo chỉ số đường huyết mỗi giờ trong 2 - 3 giờ.

• A1c: Xét nghiệm này cho biết mức đường huyết trung bình trong 3 tháng qua, nhưng kết quả có thể thấp không chính xác ở người ĐTĐ týp 1.

Nếu kết quả không đủ để kết luận, bác sĩ có thể yêu cầu làm bất kỳ xét nghiệm nào sau đây:

• C-peptide: Tuyến tụy sản xuất protein này cùng với insulin. Mức C-peptide trong máu thấp có thể gợi ý mức insulin thấp.

• Tự kháng thể insulin: Xét nghiệm này kiểm tra sự hiện diện của protein nhắm vào và phá hủy insulin.

• Tự kháng thể axit glutamic decarboxylase: Các bác sĩ sử dụng xét nghiệm này để kiểm tra sự hiện diện của các kháng thể có thể phá hủy các enzym trong các tế bào sản xuất insulin.

• Tự kháng thể liên quan insulinoma 2: Sự hiện diện của các kháng thể này cũng có thể chỉ ra rằng cơ thể đang tấn công các tế bào sản xuất insulin.

• Tự kháng thể bào tương tế bào tiểu đảo: Quỹ nghiên cứu bệnh ĐTĐ thiếu niên ước tính 80% những người mắc ĐTĐ týp 1 có loại kháng thể này.

• Vận chuyển kẽm 8: Xét nghiệm này xác định các kháng thể tiêu diệt tế bào beta sản xuất insulin.

Bác sĩ có thể chỉ đưa ra được chẩn đoán xác định sau khi xem kết quả của nhiều xét nghiệm trong số này.

ĐTĐ thai kỳ

Các bác sĩ thường sử dụng hai xét nghiệm để chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ, xỷ ra ở phụ nữ mang thai.

Test glucose

Bác sĩ thường thực hiện xét nghiệm này ở khoảng tuần thai từ 24 đến 28, theo NIDDK. Đây thường là xét nghiệm đầu tiên cho bệnh tiểu đường thai kỳ.

Test glucose yêu cầu người mẹ uống nước chứa glucose. Một giờ sau, nhân viên y tế sẽ lấy máu để đo mức glucose.

Kết quả 135 mg/dl hoặc cao hơn có thể chỉ ra rằng cơ thể không xử lý được glucose một cách đúng đắn.

Để xác nhận chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ, bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm dung nạp glucose đường uống.

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống

Xét nghiệm này yêu cầu người mẹ nhịn ăn trong 8 giờ và sau đó lấy mẫu máu. Tiếp theo, người mẹ sẽ uống nước chứa glucose và nhân viên y tế sẽ lấy máu mỗi giờ một lần trong ít nhất 2 giờ.

Nếu mức đường huyết vẫn cao trong suốt thời gian này, điều dó có thể chỉ ra ĐTĐ thai kỳ.

Kiểm tra tại nhà

Có thể tự thực hiện một số xét nghiệm tại nhà. Bao gồm:

Xét nghiệm đường huyết

Bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà có thể đo đường huyết. Các thành phần cụ thể của các bộ dụng cụ có thể khác nhau, nhưng hầu hết bao gồm:

• dụng cụ để chích ngón tay

• que thử để lấy máu

• máy đo đường huyết để đánh giá mẫu và cho kết quả

Bác sĩ sẽ xác định mức đường huyết bình thường của một người, và cũng sẽ giải thích kết quả nào cho thấy cần có sự chăm sóc y tế.

Xét nghiệm ketone trong nước tiểu

Một loại xét nghiệm tại nhà khác đánh giá nước tiểu về sự hiện diện của ketone, chất mà cơ thể tạo ra khi giáng hóa chất béo để làm năng lượng. Ketone thường chỉ ra rằng cơ thể có quá ít insulin.

Hầu hết các hiệu thuốc bán những bộ dụng cụ này. Xét nghiệm bao gồm lấy nước tiểu, sau đó nhúng que thử được cung cấp vào nước tiểu. Nó sẽ cho thấy sự hiện diện của ketone.

Nếu ketone ở mức trung bình hoặc cao, thì người đó nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế.

Các kết quả

Theo NIDDK, sau đây là giới hạn chung của kết quả xét nghiệm bệnh tiểu đường. Các bác sĩ có thể sử dụng các giới hạn này khi xem xét chẩn đoán bệnh tiểu đường.

A1c

• bình thường: dưới 5,7%

• tiền ĐTĐ: 5,7 - 6,4%

• Bệnh ĐTĐ: 6,5% trở lên

FPG

• bình thường: 99 mg/dl hoặc thấp hơn

• tiền ĐTĐ: 100 - 125 mg/dl

• Bệnh ĐTĐ: 126 mg/dl hoặc cao hơn

RPG

Khi mức là 200 mg/dl hoặc cao hơn, người đó có thể bị ĐTĐ.

Tóm tắt

Bác sĩ hoặc nhân viên tư vấn về ĐTĐ được đào tạo có thể cung cấp thêm thông tin về các xét nghiệm và mục đích của chúng.

Hầu hết là xét nghiệm máu, mặc dù xét nghiệm ketone trong nước tiểu cũng có thể cho biết cơ thể có đủ insulin hay không.

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ có thể sử dụng một số xét nghiệm này để theo dõi hiệu quả của phác đồ điều trị ĐTĐ ở người bệnh.

Cẩm Tú

Theo MNT