Các phương pháp tái tạo ngực cho bệnh nhân sau mổ ung thư vú

(Dân trí) - Về cơ bản, tất cả các bệnh nhân đều có thể tái tạo lại tuyến vú sau cắt bỏ vú do ung thư. Tuy vậy việc tái tạo ngực phải được tiến hành sau khi quá trình điều trị khối u đã hoàn tất.

Ths.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình-Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết có rất nhiều phương pháp để tái tạo ngực cho bệnh nhân ung thư vú sau phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp, tùy thuộc vào tình trạng tuyến vú, sự cân xứng giữa 2 bên và nhu cầu của người bệnh mà bác sĩ sẽ có lựa chọn phù hợp. Về cơ bản thì tất cả các bệnh nhân đều có thể tái tạo lại tuyến vú sau cắt bỏ vú do ung thư.

Nhiệm vụ của phương pháp tái tạo ngực nhằm tái lập lại thể tích vú đã bị cắt bỏ, tạo lại đơn vị quầng núm vú và tạo sự cân bằng giữa bên vú còn lại (treo, thu gọn vú hoặc đặt túi độn với bên còn lại).

Các phương pháp tái tạo ngực cho bệnh nhân sau mổ ung thư vú - 1
Việc lựa chọn phương pháp tái tạo ngực nào dựa vào tình hình thực tế tại vùng ngực cần tạo hình và sự cân đối giữa hai bên.

Theo BS Minh, để phục vụ việc tái lập lại thể tích vú có thể áp dụng 3 phương pháp chính.

Phương pháp thứ nhất là sử dụng túi độn ngực nhân tạo. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, dễ làm, chất liệu có sẵn không cần tạo vạt. Tuy vậy phương pháp này chỉ áp dụng với bệnh nhân có chất lượng da ở thành ngực tương đối mềm mại, tổ chức mỡ dưới da không quá mỏng. Đây thường là những trường hợp được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, không cần qua xạ trị hoặc chỉ cắt bỏ một phần tuyến vú.

Đối với một số trường hợp phần da ngực còn lại không đủ, bác sĩ sẽ phải chuẩn bị trước bằng việc đặt túi giãn da (tức là đặt vào một túi nước có van, bơm căng dần lên) để có đủ lượng da cho việc đặt túi vĩnh viễn.

Phương pháp thứ 2 là sử dụng các vạt da mỡ từ xa đưa lên ngực với khối lượng da, mỡ đủ để tạo hình bầu vú mới. Chẳng hạn có thể lấy vạt da vùng bụng dưới để tạo hình vú với các chị em có vòng 2 phát triển.

Ưu điểm của phương pháp là tái tạo lại được bầu vú mềm mại, có chất lượng tương đồng với bầu vú thật. Ngoài ra, vạt da có sức sống tốt, có thể chịu được xạ trị sau khi tạo hình.

Tuy vậy, phương pháp này phải sử dụng kỹ thuật nối mạch vi phẫu, đòi hỏi phẫu thuật viên có trình độ chuyên môn chuyên biệt và khá mất thời gian để tạo vạt, rồi nối mạch. Mỗi ca phẫu thuật này có thời gian trung bình là 6 tiếng.

Phương pháp thứ 3 là phương pháp lai kết hợp cả 2 phương pháp trên, một vạt tổ chức gồm da cơ có cuống mạch nuôi từ phía lưng được chuyển ra ngực để tạo ra lượng da lớn hơn. Phần cơ để che phủ túi độn có tác dụng tránh lộ túi, đặc biệt là khi da thành ngực sau xạ trị bị viêm mỏng.

Ưu điểm của phương pháp này là có độ an toàn, thành công rất cao, có thể thực hiện một cách đơn giản bởi các bác sĩ phẫu thuật tạo hình hoặc bác sĩ phẫu thuật lồng ngực, ung bướu.

“Việc tạo hình phải được thực hiện sau khi quá trình điều trị khối u đã hoàn tất, đặc biệt bệnh nhân có chỉ định xạ trị hay hoá chất. Cá biệt một số trường hợp bị loét vùng ngực do xạ trị thì nhu cầu đặt ra là tạo hình che phủ tổn thương chứ không phải là tạo hình vú”, BS Minh nhấn mạnh.

Ngoài ra, phương pháp tái tạo ngực chống chỉ định với các bệnh nhân ung thư vú ở giai đoạn 4 đã có di căn tới các cơ quan khác, bệnh nhân quá cao tuổi hoặc không đủ tình trạng sức khỏe để thực hiện các ca phẫu thuật nói chung. 

Nam Phương