Các bước giúp giảm nguy cơ khi chụp X-quang răng

(Dân trí) - X quang là một phương tiện rất cần thiết để chẩn đoán những bệnh lý của hệ thống răng - xương hàm trên dưới - hệ thống xoang mặt, giúp nâng cao chất lượng điều trị. Tuy nhiên, nhiều người bệnh không biết làm thế nào để an toàn khi chụp X-quang?

Các bước giúp giảm nguy cơ khi chụp X-quang răng - 1

Dù chụp máy X-quang nào cũng nên mặc áo chì chống nhiễm xạ
Tại sao cần chụp X-quang răng?

 

Theo quy chế hành nghề y, Bộ Y tế không bắt buộc các cơ sở Nha khoa phải trang bị máy X-quang. Tuy nhiên, tiêu chuẩn an toàn bức xạ ở nước ta cao hơn một số nước chẳng hạn như Mỹ. Ví như các cơ sở Nha khoa tại Mỹ không bắt buộc phải xây phòng chì cho X-quang Nha khoa như ở nước ta. Trong khi đó, đa số bệnh nhân chưa biết yêu cầu cơ sở Nha khoa cần có X-quang để giúp cho việc điều trị tốt hơn, thậm chí nhiều bệnh nhân còn sợ chụp X-quang răng vì cho rằng tốn kém và không tốt cho sức khỏe.

 

Vậy X-quang răng có thực sự cần? Theo bác sĩ Võ Quốc Tuấn, Nha khoa Lan Anh, X-quang là một phương tiện rất cần thiết để chẩn đoán những bệnh lý của hệ thống răng - xương hàm trên dưới - hệ thống xoang mặt. Việc chụp X quang giúp bác sĩ chẩn đoán sớm những ung thư vùng xương hàm và điều này có một ý nghĩa rất lớn đến đời sống của một bệnh nhân khi ung thư được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ngoài ra X quang giúp Bác sĩ nâng cao chất lượng điều trị Nha khoa cho bệnh nhân rất nhiều.

 

Các cách giúp giảm nguy cơ nhiễm xạ

 

Để giảm thiểu những nguy cơ do tiếp xúc với tia xạ, cần tuân thủ các bước sau:

 

- Không thường xuyên chụp X-quang. Nếu không có vấn đề răng miệng đặc biệt thì chỉ nên chụp mỗi 2 năm hoặc lâu hơn là đủ. Hãy hỏi bác sĩ nếu họ đề nghị bạn chụp X-quang.

 

- Nếu bạn chuyển sang khám ở nha sĩ khác thì hãy copy toàn bộ ảnh X-quang để bác sĩ mới biết.

 

- Cần chắc chắn rằng bác sĩ sử dụng máy X-quang chuẩn trực - loại máy có 1 miếng đệm giúp ngăn tia xạ tiếp xúc với mặt.

 

- Nếu muốn giảm thiểu hơn nữa sự tiếp xúc thì chọn máy X-quang kỹ thuật số (mức xạ của X quang kĩ thuật số thấp hơn từ 10 đến 20 lần; nghĩa là 1 lần chụp bằng máy X quang cũ bệnh nhân gánh một liều bức xạ bằng 10-20 lần chụp X quang kỹ thuật số).

 

- Cho bệnh nhân mặc áo chì khi chụp X quang để tránh nhiễm xạ.

 

- Nếu bé cần nắn chỉnh răng và cần tới chụp X-quang răng thì nên thực hiện sau khi trẻ tròn 15 tuổi.

 

- Giữ tất cả các phim chụp X-quang hoặc đánh dấu các lần chụp X-quang để theo dõi sự tiếp xúc của cơ thể với các tia xạ.

 

- Trao đổi với nhân viên giám sát bức xạ bất cứ thắc mắc nào.

 

Tóm lại, X quang là phương tiện rất cần thiết cho điều trị Nha khoa chất lượng, dù mức xạ dùng trong Nha khoa là rất thấp so với ngưỡng có hại nhưng chúng ta không nên lạm dụng và phải sử dụng đúng cách, đúng chỉ định, đặc biệt đối với trẻ em và phụ nữ mang thai.

 

Nhân Hà