Các bác sĩ thường làm gì để ngăn ngừa bệnh Alzheimer?

(Dân trí) - Bệnh Alzheimer chưa có cách chữa khỏi, nhưng những nghiên cứu đang diễn ra cho thấy triển vọng trong việc giảm nguy cơ và trì hoãn sự khởi phát của rối loạn thoái hóa thần kinh này.

Hiểu về bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu của sa sút trí tuệ, chiếm khoảng 80% các trường hợp sa sút trí tuệ và ảnh hưởng đến hơn 5,5 triệu người ở Mỹ.

Các bác sĩ thường làm gì để ngăn ngừa bệnh Alzheimer? - 1

Nhưng không phải tất cả sa sút trí tuệ đều là Alzheimer. Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ chung được sử dụng để mô tả một tập hợp các triệu chứng có thể bao gồm mất trí nhớ và khó khăn trong tư duy, giải quyết vấn đề hoặc ngôn ngữ. Alzheimer, là một bệnh về thực thể nhắm vào não, gây ra các vấn đề về trí nhớ, suy nghĩ và hành vi.

Bệnh cũng liên quan đến tuổi già (các triệu chứng thường bắt đầu ở tuổi 65) và tiến triển vì các triệu chứng thường phát triển chậm và nặng lên theo thời gian. Nghiên cứu cho thấy các mảng và đám rối, hai protein tích tụ và ngăn chặn kết nối giữa các tế bào thần kinh và cuối cùng hủy hoại và giết chết các tế bào thần kinh trong não, gây ra các triệu chứng của bệnh.

Chụp não

Hình ảnh thần kinh, sử dụng chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) là một trong những lĩnh vực nghiên cứu hứa hẹn nhất để phát hiện sớm bệnh Alzheimer. Ý tưởng ở đây là bắt đầu phòng ngừa sớm. Chúng ta có nội soi đại tràng định kỳ ở độ tuổi 50, nhưng nguy cơ mắc ung thư đại tràng còn thấp hơn nguy cơ mắc sa sút trí tuệ.

Hình ảnh cấu trúc có thể cho thấy khối u, bằng chứng đột quỵ, tổn thương do chấn thương sọ não nghiêm trọng hoặc tích tụ dịch trong não. Chụp MRI não có thể cho thấy bằng chứng về những cơn đột quỵ nhỏ mà bạn có thể không biết.

Ngủ đủ

Khi bạn trằn trọc cả đêm, lượng protein gây tổn thương não trong dịch não tủy có thể tăng lên: Một nghiên cứu gợi ý rằng những người gặp vấn đề mãn tính với giấc ngủ ở tuổi trung niên có thể tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer sau này. Bạn phải hiểu rõ tầm quan trọng của giấc ngủ và dành ưu tiên cho giấc ngủ như một trong những hoạt động quan trọng nhất.

Duy trì hoạt động xã hội

Nói có với những lời mời tham gia hoạt động xã hội! Các nghiên cứu tiết lộ rằng những người có mạng lưới xã hội lớn có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ thấp hơn. Tham gia hoạt động xã hội là có giá trị về mặt bản chất. Những người gắn kết hơn, đặc biệt là về mặt xã hội, sẽ suy nghĩ tích cực hơn và có cái nhìn tốt hơn về cuộc sống.

Tiếp tục học tập

Những người có bằng cấp cao có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer thấp hơn. Giáo dục dường như xây dựng một “dự trữ nhận thức”, cho phép não đề kháng lại tốt hơn với các tổn thương thần kinh. Học vấn càng cao thì càng có sức mạnh. Không bao giờ quá muộn, hãy kiểm tra các khóa giáo dục liên tục được cung cấp gần bạn.

Nói hai thứ tiếng

Nói được nhiều hơn một thứ tiếng có thể bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Mặc dù không ai chắc chắn lý do tại sao một ngôn ngữ thứ hai lại giúp ích rất nhiều, nhưng các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng nỗ lực giao tiếp bằng ngoại ngữ giống như một bài tập cho não, giúp bảo tồn chất xám và tế bào thần kinh.

Tự làm

Thử thách bộ não theo những cách mới có thể tăng cường trí nhớ khi về già. Nếu điện thoại hoặc hệ thống ống nước bị hỏng, bạn hãy cố gắng sửa nó. Nếu bạn cố gắng tự tìm ra cách sửa, điều đó sẽ tốt cho bộ não của bạn..

Duy trì hoạt động

Tập thể dục quan trọng cho sức khỏe và bộ não của bạn. Trong nghiên cứu, những người tập thể dục thường xuyên có thể làm chậm sự suy giảm nhận thức tới 38%. Theo Hội Alzheimer, tổng hợp kết quả của 11 nghiên cứu chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm khoảng 38% nguy cơ sa sút trí tuệ; giảm 45% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Khi hoạt động thể chất, bạn đốt cháy nhiều calo hơn và bạn sẽ ít bị béo phì hơn. Bạn có thể có sức khỏe tim mạch tốt hơn vì nhịp tim được thúc đẩy.

Hãy thử nghệ

Củ nghệ có chứa chất curcumin, một chất đã được chứng minh là giúp giảm viêm. Được sử dụng để điều trị một loạt các bệnh và các tình trạng bệnh như thoái hóa khớp và cholesterol cao, nghệ cũng cho thấy triển vọng như một cách điều trị bệnh Alzheimer. Nghiên cứu mới chỉ sơ bộ, nhưng nó cho thấy chất curcumin có thể giúp giữ cho các tế bào thần kinh hoạt động và khỏe mạnh.

Chăm sóc cho tim

Điều gì tốt cho tim cũng sẽ tốt cho não. Các tình trạng như huyết áp cao, tiểu đường và cholesterol cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer, và một nghiên cứu mới cho thấy những người tuổi trung niên có các yếu tố nguy cơ đau tim và đột quỵ cũng dễ phát triển những thay đổi trong não có thể dẫn đến bệnh. Bất cứ điều gì giữ cho trái tim khỏe mạnh đều liên quan trực tiếp đến sức khỏe của não.

Giảm mức độ stress

Stress kéo dài có thể gây tổn hại cho não, và nghiên cứu chỉ ra rằng stress mãn tính có thể đẩy nhanh bệnh Alzheimer. Khi bítress, cơ thể sẽ giải phóng ra cortisol, một loại hoóc-môn liên quan đến vấn đề về trí nhớ.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng stress có thể dẫn đến các tình trạng như trầm cảm và lo lắng, cũng làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Loại bỏ stress giúp giảm lượng cortisol và tối ưu hóa việc sử dụng glucose, là thực phẩm mà bộ não cần.

Thử chế độ ăn MIND

Là sự kết hợp của chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn DASH (Phương pháp ăn kiêng để ngăn chặn tăng huyết áp), chế độ ăn MIND được thiết kế dành riêng cho sức khỏe của não.(MIND là viết tắt của Can thiệp ăn uống Địa Trung Hải-DASH để trì hoãn thoái hóa thần kinh)

Chế độ ăn này khá dễ chịu: Bạn ăn ít nhất ba phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày, hai phần rau (một trong số đó phải là rau lá xanh), ăn vặt bằng các loại hạt vỏ cứng, ăn protein nạc như thịt gà và cá, quả mọng, và uống một ly rượu vang mỗi ngày.

Theo nghiên cứu, những người tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn này có thể giảm nguy cơ suy giảm nhận thức khi có tuổi. Tuy không thể tin vào tất cả các chế độ ăn, nhưng nếu bạn thực hiện chế độ ăn uống hợp lý với nhiều trái cây và rau quả, cân đối các nhóm thực phẩm khác nhau và tránh béo phì, thì mọi chuyện sẽ ổn.

Kiểm soát ngáy

Một cách khác phá hỏng giấc ngủ mà bạn không nhận ra là chứng ngưng thở khi ngủ. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, ngưng thở khi ngủ xảy ra khi đường hô hấp trên bị tắc nghẽn lặp đi lặp lại trong khi ngủ, làm giảm hoặc ngăn hoàn toàn luồng không khí.

Nhiều yếu tố - từ béo phì đến amidan to và rối loạn thần kinh cơ - có thể gây ngưng thở khi ngủ. Nếu không được điều trị, ngưng thở khi ngủ không chỉ ngăn chặn giấc ngủ ngon mà còn có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số tình trạng sức khỏe, để lại những hậu quả nghiêm trọng về tim mạch và chức năng tâm thần.

Nghiên cứu gần đây cũng liên hệ ngưng thở khi ngủ với sự tích lũy các chỉ dấu sinh học của bệnh Alzheimer. Điều trị ngưng thở khi ngủ cứu bộ não và cả mạng sống của bạn.

Bảo vệ đầu

Theo Hội Alzheimer, có mối liên quan chặt chẽ giữa chấn thương đầu nghiêm trọng và phát triển bệnh Alzheimer sau này, đặc biệt là nếu chấn thương có mất ý thức.

Một tổng kết các nghiên cứu cho thấy chấn thương đầu cần được chăm sóc y tế có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer. Đội mũ bảo hiểm khi đi xe, chống trơn trượt cho sàn nhà và luôn luôn sử dụng dây an toàn để giúp bảo vệ cái đầu của bạn.

Uống trà và mật ong

Trà xanh có vô số lợi ích cho sức khỏe: Một nghiên cứu cho thấy một hợp chất trong đồ uống này có thể phá vỡ sự hình thành các mảng độc hại góp phần gây bệnh Alzheimer.

Ngoài ra, mật ong hoa keo (loại mật ong được sản xuất bởi những con ong ăn hoa keo) được coi là có dinh dưỡng cao với khả năng chống oxy hóa và miễn dịch mạnh, làm cho nó trở thành một ứng cử viên tiềm năng cho cả ngăn ngừa ung thư và thuốc điều trị trong quản lý bệnh Alzheimer.

Cẩm Tú

Theo RD