Ca phẫu thuật giành giật sự sống giữa... phòng khách nhà bệnh nhân

(Dân trí) - Phòng khách được trưng dụng làm phòng mổ, với hàng trăm bà con đứng ngoài sân. Điện được “câu” thêm từ nhà hàng xóm để có đủ ánh sáng. Máu từ ổ bụng bệnh nhân được múc ra từng bát. Bác sĩ dù tiên lượng khó nhưng vẫn phải “liều” để cứu người bệnh. Chỉ có người sản phụ trẻ là bình tâm vì “thấy bác sĩ, chắc chắn mình được sống rồi”.

Đến nay, 5 đêm sau ca phẫu thuật đặc biệt, chị Lương Thị Vân, 28 tuổi ở xã Kiến Xương, Thái Bình đã hoàn toàn bình phục, cười nói liên miệng, trò chuyện với y bác sĩ thân mật như người nhà. Mẹ đẻ, chồng chị thì như “trút được cả tảng đá đè tim đến nghẹt thở” vì nhìn tận mắt thấy bác sĩ “rạch bụng” mổ cho con, múc ra từng bát máu và nghĩ con sẽ không qua khỏi.

“Mọi sự việc diễn ra nhanh như một cái chớp mắt, vừa sáng ra còn chở vợ đi siêu âm xem thai vào tử cung chưa, tối vợ đã nằm trong cảnh nguy kịch và mổ ngay tại nhà mình”, anh Nguyễn Công Quyền, chồng chị Vân chia sẻ.

Đó là ca phẫu thuật đặc biệt tại nhà của sản phụ đêm 13/3, do các bác sĩ Bệnh viện phụ sản Thái Bình, Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình và Khoa Huyết học của Bệnh viện đa khoa Thái Bình phối hợp thực hiện.

Ca phẫu thuật được thực hiện ngay tại nhà bệnh nhân. Ảnh: H.T
Ca phẫu thuật được thực hiện ngay tại nhà bệnh nhân. Ảnh: H.T
Ca phẫu thuật giành giật sự sống giữa... phòng khách nhà bệnh nhân - 2

Bác sĩ Nguyễn Văn Thạch - BS Gây mê – Hồi sức (BV Phụ sản Thái Bình) cho biết, khi được lãnh đạo gọi điện nóng ngay trong đêm chỉ đạo xuống xã Quyết Tiến ứng cứu một ca vỡ chửa ngoài tử cung tại nhà, tính mạng nguy kịch, anh cũng không hình dung được bệnh nhân trầm trọng đến thế.

Khi đến nơi, các bác sĩ tiến hành hồi sức, truyền khoảng 500ml cho bệnh nhân, với mục đích hồi sức để chuyển về BV (chỉ cách nhà bệnh nhân 15km) để phẫu thuật, nhưng huyết áp, mạch của người bệnh không lên nổi do đang trong tình trạng sốc mất máu. Nếu di chuyển (dù chỉ ra trạm xá cách đó 2km) bệnh nhân nguy cơ tử vong vì đang sốc. Vì thế, các bác sĩ hội ý nhanh chóng, quyết định mổ ngay cho người bệnh tại nhà.

BS Thạch cho biết, may mà trước đó, bệnh nhân đã BS Nguyễn Hồng Tươi, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quyết Tiến đã xử lý cấp cứu rất nhanh chóng. Nếu không khi bác sĩ đến, mạch 0, huyết áp 0 thì khó lòng cấp cứu người bệnh.

“Khi được người nhà báo bệnh nhân mệt lúc khoảng 19h39 phút, tôi đi xe máy từ nhà sang, thấy bệnh nhân nằm một chỗ, niêm mạc nhợt, hỏi ra thì chậm kinh 15 ngày, thử thai đã dương tính, ấn bụng đã chướng, đau, huyết áp của chị chỉ còn 40/20, mạch gần như không bắt được, môi và da trắng nhợt, không động đậy được tay chân. Tôi chẩn đoán ngay bệnh nhân bị vỡ khối chửa tử cung. Chỉ kịp lấy ngay ven, đặt đường truyền hồi sức, rồi gọi cấp cứu 115 ngay”, chị Tươi cho biết.

Bác sĩ Phí Ngọc Chung, BS Nguyễn Ngọc Tú (Bệnh viện Phụ sản Thái Bình) là hai bác sĩ trực tiếp tham gia ca phẫu thuật chia sẻ, trước tình trạng nguy cấp của bệnh nhân, quyết định phẫu thuật ngay tại nhà rất lo lắng vì trang thiết bị thiếu, điện cũng không đủ ánh sáng... nhưng không làm thì bệnh nhân sẽ chết.

“Chúng tôi cũng lo ngại khi mà xung quanh kíp mổ hàng trăm người làng vây kín sân, người nhà bệnh nhân thì khóc ầm ĩ sợ con chết. Nếu không thành công áp lực sẽ rất lớn, rồi gây ảnh hưởng đến uy tín cả ngành. Nhưng không mổ thì bệnh nhân chết nên có áp lực mấy cũng phải “liều” tiến hành sau khi giải thích và được sự đồng ý của gia đình người bệnh”, hai bác sĩ chia sẻ.

Tại phòng khách, các loại đèn được huy động, kéo cả điện nhà hàng xóm vì sợ quá tải; bàn mổ là cáng cấp cứu của 115. Do cáng cao hơn bàn mổ khiến hai bác sĩ phải đứng lên hai cái ghế. Không có máy thở, hai điều dưỡng luân phiên bóp bóng. Có khoảng hơn 2 lít máu cục trào ra từ phần phụ bị vỡ sau khi vỡ khối thai ngoài tử cung nhưng không có máy hút, bác sĩ phải dùng một dụng cụ trong cấp cứu hình dáng như cái bát để múc máu từ ổ bụng ra ngoài. Sau 2 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân qua được cửa tử và được chuyển về BV Phụ sản Thái Bình.

Chị Vân cho biết thêm, thấy mẹ, chồng và mọi người cứ rối lên, khóc ầm ĩ. Còn chị thì khi nhìn thấy bóng các bác sĩ áo trắng, chị đã rất yên tâm, động viên mẹ: “Mẹ đừng có lo. Con không sao đâu. Bác sĩ ở đây là con được cứu rồi”.

Chị Vân khỏe khoắn, tươi tỉnh sau ca phẫu thuật đặc biệt. Ảnh: H.Hải
Chị Vân khỏe khoắn, tươi tỉnh sau ca phẫu thuật đặc biệt. Ảnh: H.Hải

Theo ông Trần Văn Bội, giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình chia sẻ về ca phẫu thuật tại nhà riêng, mà nhiều người băn khoăn sao không cố đưa về BV, là vì tình trạng bệnh nhân đã quá nguy kịch. Đây cũng không phải là ca đầu tiên phẫu thuật tại nhà riêng bệnh nhân, mà đến 5 ca đã được thực hiện ngay tại nhà bệnh nhân. Bởi khi bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc mất máu, di chuyển là chết mới gọi nhân viên cấp cứu.

“Không có một giáo trình y khoa nào dạy bác sĩ phẫu thuật tại nhà. Nhưng tùy cơ phải ứng biến, gặp những trường hợp như chị Vân, không phẫu thuật thì người bệnh chết”, ông Bội nói.

Ông Bội cho biết thêm, các bác sĩ từng 2 lần phải phẫu thuật cắt chi cho người bị máy ép gạch cuốn chân ngay tại ruộng.

“Làm được điều này là do 115 luôn có sự phối hợp với các đội cấp cứu ngoại viện tại các BV. Không như trước kia, phải vận chuyển cả máy ép gạch, máy tuốt lúa về bệnh viện cùng nạn nhân để phẫu thuật, nhưng nạn nhân có thể bị sốc và mất máu trong quá trình vận chuyển. Nay đội cấp cứu ngoại viện luôn đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu, sẵn sàng xử lý cấp cứu bệnh nhân trong những tình huống nguy cấp nhất”, ông Bội cho biết.

Hồng Hải