Bước tiến trong phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ

(Dân trí) - Nhiều triển vọng mới trong phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ được trình bày tại hội thảo chuyên đề Dự phòng đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ, diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Đột quỵ quốc tế ngày 12-13/10 tại TP. HCM. Hội thảo chuyên đề do Hội Đột quỵ TP. HCM với sự đồng hành của Bayer, thu hút 700 bác sĩ chuyên khoa nội tim mạch, nội thần kinh tham gia.

Bước tiến trong phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ - 1
Các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận về công tác phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ hiện nay

Bệnh rung nhĩ: phòng ngừa đột quỵ là cách điều trị tốt nhất

Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim thường gặp, nguy cơ bị đột quỵ ở người bị bệnh này cao gấp 5 lần so với người không mắc rung nhĩ. Bệnh nhân bị đột quỵ do rung nhĩ thường phải nằm viện lâu hơn, có nguy cơ bị tàn phế và tử vong cao hơn đột quỵ do những nguyên nhân khác. Ước tính đến năm 2050, có khoảng 2,9 triệu người bị đột quỵ vì rung nhĩ, trong tổng số 72 triệu người mắc bệnh này.

Đột quỵ do rung nhĩ thường để lại hậu quả nghiêm trọng: 50% số ca tử vong trong vòng một năm và 50% số ca sống sót bị di chứng tàn phế vĩnh viễn. Vì vậy, đối với bệnh nhân rung nhĩ, phòng ngừa đột quỵ là cách điều trị tốt nhất.

“Bệnh nhân được chẩn đoán bị rung nhĩ phải sử dụng kháng đông theo chỉ định của bác sĩ, tái khám đầy đủ và thông tin kịp thời về tình trạng bệnh, không tự ý bỏ thuốc, chủ quan không tái khám đều đặn khi cảm thấy khỏe hơn,” TS. BS. Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết.

“Một số thuốc kháng đông đường uống mới hiện nay có thể giúp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả, kể cả với bệnh nhân ở nhóm nguy cơ cao như bệnh nhân đã từng bị đột quỵ hay bệnh nhân bị suy thận… Phòng ngừa đột quỵ cho người bị rung nhĩ không phải là quá khó, chỉ cần sử dụng kháng đông thôi là có thể giảm được 70% nguy cơ đột quỵ tái phát”, TS.BS Thắng cho biết thêm.

NOACs: liệu pháp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả cho bệnh nhân rung nhĩ

Theo cập nhật hướng điều trị mới nhất của Hội nghị Tim mạch châu Âu (ESC), kháng đông đường uống mới không phải kháng vitamin K (NOACs) được xem là liệu pháp chuẩn và ưu tiên sử dụng hơn liệu pháp kháng vitamin K (còn gọi là warfarin) để phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ không do van tim.

Bước tiến trong phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ - 2
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, đối với bệnh nhân rung nhĩ, tuân thủ sử dụng liệu pháp kháng đông giúp giảm 70% nguy cơ đột quỵ tái phát

Cũng theo TS.BS Thắng, so với warfarin, liệu pháp kháng đông đường uống mới (NOACs) có nhiều ưu điểm hơn như liều cố định, ít tương tác thuốc và thức ăn, không cần theo dõi INR (chỉ số theo dõi tình trạng đông máu) qua xét nghiệm máu, từ đó giúp bệnh nhân dễ dàng tuân thủ chỉ định của bác sĩ, góp phần giảm các xét nghiệm và thăm khám thường xuyên. Bên cạnh đó, NOACs cũng giúp giảm đáng kể tỉ lệ xuất huyết nội sọ và tỉ lệ tử vong do xuất huyết so với liệu pháp kháng vitamin K.

Tin vui là liệu pháp kháng đông đường uống không phải kháng vitamin K của Bayer đã được chứng minh hiệu quả về phòng ngừa đột quỵ cũng như tính an toàn trên bệnh nhân rung nhĩ không do van tim có kèm theo nhiều nguy cơ, với tỉ lệ xuất huyết thấp được chứng minh trên bệnh nhân châu Á, bệnh nhân có nhiều bệnh lý mắc kèm và bệnh nhân suy thận. Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu được công bố tại Hội nghị Tim mạch châu Âu năm 2019, so với liệu pháp kháng vitamin K, liệu pháp kháng đông của Bayer đem lại lợi ích tốt hơn về bảo tồn chức năng thận cho bệnh nhân rung nhĩ.

“Chúng tôi tin tưởng rằng NOACs của Bayer sẽ có những đóng góp đáng kể giúp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả cho bệnh nhân rung nhĩ tại Việt Nam, góp phần giảm số ca đột quỵ do rung nhĩ cũng như giảm được những trường hợp bệnh nhân bị các di chứng nặng nề của đột quỵ như tàn phế vĩnh viễn,” BS Lynette Moey, Giám đốc nhánh Dược phẩm của Bayer tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam chia sẻ.

Minh Nhật