Bỗng nhiên “mất đạn” vì ung thư tinh hoàn

(Dân trí) - Ngày càng có nhiều trường hợp bị ung thư tinh hoàn được phát hiện trong cộng đồng. Ung thư tinh hoàn không chỉ cướp đi “vũ khí chiến đấu” mà còn đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của người bệnh.

Nam bệnh nhân 19 tuổi đến Bệnh viện Bình Dân thăm khám trong tình trạng vùng bìu có một khối cứng ngày càng to lên. Các kết quả thăm khám, kiểm tra hình ảnh, xét nghiệm của bác sĩ cho thấy bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn. Người bệnh còn trẻ chưa lập gia đình nên bác sĩ đề nghị trữ tinh trùng nếu có ý định sau này sẽ có con. Tuy nhiên, thông tin từ bác sĩ như “sét đánh ngang tai” khiến bệnh nhân hoang mang, suy sụp.

Bỗng nhiên “mất đạn” vì ung thư tinh hoàn - 1
Tinh hoàn của người bệnh bị ung thư sau khi được phẫu thuật (ảnh: BS Phan Hoàng)

Một trường hợp khác là bệnh nhân N.H.K. (24 tuổi) nhập viện trong tình trạng bị đau tinh hoàn, đau hông, ăn uống kém, sức khỏe suy giảm nhanh. Các kết quả kiểm tra của bác sĩ cho thấy bệnh nhân đã bị ung thư tinh hoàn di căn. Đây là những trường hợp điển hình trong số hơn 140 ca bệnh ung thư tinh hoàn được phát hiện tại Bệnh viện Bình Dân trong 2 năm qua.

Để duy trì sự sống, thực hiện các bước điều trị với hi vọng triệt căn ung thư, hầu hết các bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn ở giai đoạn muộn đều có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn có chứa u ác tính. Sau phẫu thuật, tùy thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp cho người bệnh.

Theo Y văn tỷ lệ nam giới bị ung thư tinh hoàn chỉ chiếm khoảng 1% trong cộng đồng. Tuy nhiên Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ của ung thư tinh hoàn đang tăng trong vài thập kỷ qua. Nguy cơ bị ung thư tinh hoàn tăng cao khi người bệnh có tinh hoàn ẩn (tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm trong ổ bụng), tinh hoàn bị teo, tiền sử gia đình có cha, anh em trai bị ung thư tinh hoàn và người mẹ trong lúc mang thai sử dụng các thuốc nội tiết (DES, estrogen)

Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam thì ung thư tinh hoàn là bệnh không thường gặp, có nhóm sêminôm và nhóm không sêminôm hai thứ. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh lên tới 95%. Tuy nhiên, ung thư tinh hoàn là bệnh “khó nói” ở nam giới, nhiều người có tâm lý không muốn đối diện với tình trạng của mình nên thường chậm trễ trong việc tìm đến những nhà chuyên môn, khi bệnh trở nặng, di căn mới nhập viện điều trị thì đã ở giai đoạn muộn.

Bỗng nhiên “mất đạn” vì ung thư tinh hoàn - 2

Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân phẫu thuật cho một trường hợp bị bệnh

GS Chấn Hùng chỉ ra, hầu hết ung thư tinh hoàn được người bệnh tự phát hiện khi thấy vùng bìu có một hột không đau hoặc một chỗ sưng của tinh hoàn. Triệu chứng rõ hơn có thể đau hoặc khó chịu ở một tinh hoàn hoặc đau trong bìu, tinh hoàn to lân, cảm giác nặng ở bìu, ở bụng dưới, ở háng. Một số ca có thể bị tụ dịch bất ngờ trong bìu khiến bệnh nhân phải nhập viện.

Để chẩn đoán ung thư tinh hoàn, người bệnh sẽ được thăm khám tổng quát và chuyên sâu nam khoa, thực hiện các xét nghiệm máu để tìm chất đánh dấu ung thư (tumor marker), siêu âm bụng, siêu âm đàn hồi mô và nếu cần thiết chụp cộng hưởng từ (MRI). 

Việc điều trị ung thư tinh hoàn sêminôm và không sêminôm có diễn tiến khác nhau nên cách điều trị cũng khác nhau. Loại không sêminôm có diễn tiến nhanh hơn nhưng loại sêminôm lại nhạy với xạ trị hơn. Cách điều trị tùy thuộc giai đoạn, tuổi tác, tổng trạng người bệnh và các yếu tố khác. 

Để phòng ngừa ung thư tinh hoàn, các chuyên gia khuyến cáo nam giới, nhất là những người từ 15 đến 35 tuổi cần tự kiểm tra tinh hoàn bằng cách nắn nhẹ hai bên bìu ít nhất 1 lần mỗi tháng. Đây là phương pháp theo dõi đơn giản và dễ áp dụng, khi phát hiện có một khối đặc bất thường trong bìu, dù không gây đau cũng cần đến bệnh có chuyên khoa về nam học gần nhất để được thăm khám, chấn đoán và điều trị kịp thời nếu không may mắc bệnh.

Vân Sơn