Thanh Hóa:

Bội chi quỹ bảo hiểm y tế gần 700 tỷ đồng chỉ trong nửa năm

(Dân trí) - Không chỉ sử dụng hết số tiền cân đối Quỹ, quỹ Bảo hiểm y tế tại Thanh Hóa đã bội chi gần 700 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017.

Năm 2017, Thanh Hóa có 73 cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) Bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó: 2 bệnh viện tuyến Trung ương; 14 bệnh viện tuyến tỉnh; 52 bệnh viện tuyến huyện; 5 Trạm y tế cơ quan và 579 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

Quỹ KCB năm 2017 tại các cơ sở y tế được sử dụng là 1.997,48 tỷ đồng. Cân đối quỹ 6 tháng năm 2017, quỹ BHYT được sử dụng là 1.039 tỷ đồng, tuy nhiên hiện đã sử dụng 1.722 tỷ đồng, bội chi 683 tỷ đồng. Năm 2016, tỉnh Thanh Hóa bội chi 843,15 tỷ đồng quỹ BHYT.

Qũy BHYT tại Thanh Hóa bội chi gần 700 tỷ đồng
Qũy BHYT tại Thanh Hóa bội chi gần 700 tỷ đồng

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thanh Hóa, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do từ ngày 22/12/2016, các bệnh viện công lập và phòng khám công lập được tính thêm một phần mức giá bao gồm cơ cấu tiền lương.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở KCB BHYT lựa chọn thuốc, vật tư y tế giá cao trong điều trị. Có tình trạng chia tách dịch vụ kỹ thuật hoặc thanh toán không đúng dịch vụ kỹ thuật.

Còn phổ biến tình trạng áp giá dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế, giá ngày giường sai. Tăng đột biến số người vào điều trị nội trú trong khi cơ cấu bệnh tật không có biến động (bình quân chung, bệnh nhân khám bệnh có chỉ định vào điều trị nội trú toàn quốc 16%, Thanh Hóa 23%).

Nhiều cơ sở y tế kéo dài thời gian điều trị nội trú một cách bất bình thường (tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa, mổ phaco nằm nội trú bình quân 7,1 ngày trong khi toàn quốc chỉ là 1,7 ngày; Bệnh viện Y học cổ truyền bình quân nội trú 24,9 ngày - bình quân toàn quốc chỉ 16 ngày).

Việc chỉ định các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cao gấp nhiều lần so với bình quân chung của cả nước. Một số cơ sở KCB BHYT đã chỉ định và sử dụng nhiều loại thuốc giá cao trong điều trị đã làm tăng chi phí điều trị như: Bệnh viện đa khoa Mường Lát...

Công tác phối hợp giữa Sở Y tế với BHXH trong chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện việc khám phân loại bệnh tật, hạn chế chỉ định rộng rãi quá mức cần thiết các loại thuốc... chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả.

Để xảy ra tình trạng trên là do ngành BHXH thiếu quyết liệt và chưa hiệu quả trong giám sát, kiểm tra, giám định thanh toán chi phí KCB BHYT. Năng lực chuyên môn của một số viên chức làm công tác giám định còn hạn chế, chưa phát hiện kịp thời các tiêu cực, lãng phí, lạm dụng trong KCB BHYT...

Ngành Y tế chưa thực sự hiệu quả, kịp thời trong tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BHYT, chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý, lãnh đạo.

Các cơ sở KCB BHYT chịu trách nhiệm toàn bộ và cuối cùng trong quá trình thực hiện công tác KCB, trong việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí BHYT được cấp, trong việc để xảy ra những hành vi lạm dụng, lãng phí quỹ BHYT. Trong đó, nhiều cơ sở y tế chưa thường xuyên và kịp thời cập nhật thông tin, dữ liệu của bệnh nhân sau khi ra viện lên hệ thống thông tin giám định BHYT nên không đảm bảo được nguyên tắc công khai, minh bạch...

Việc bội chi quỹ BHYT với số tiền lớn có thể ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chính sách BHYT, gây khó khăn cho công tác cấp ứng và thanh toán chi phí KCB, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên BHXH phối hợp thường xuyên với ngành Y tế và các cơ sở y tế để chia sẻ thông tin và xử lý kịp thời những bất cập trong quá trình thực hiện công tác KCB BHYT, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện lạm dụng, lợi dụng quỹ BHYT.

Bố trí đủ nhân lực để thực hiện việc thường trực giám định tất cả cơ sở y tế. Thanh tra công tác KCB BHYT năm 2017 đối với một số cơ sở y tế có tần suất KCB, chi phí tăng cao bất thường...

Duy Tuyên