Bộ Y tế kiểm tra bệnh viện thu phí dịch vụ người chăm nuôi bệnh nhân

(Dân trí) - Trước thông tin báo chí phản ánh một số bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh thu phí người chăm nuôi, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết sẽ kiểm tra thông tin, nếu xác định có bất hợp lý sẽ có ý kiến chính thức.

Như Dân trí phản ánh, nhiều bệnh viện tại TPHCM  “âm thầm” thu phí người thăm nuôi bệnh nhân.

Như tại bệnh viện đa khoa Khu vực Thủ Đức, TPHCM buộc người nuôi bệnh qua đêm phải đóng 30.000 đồng chi phí chỗ ngủ, nước sinh hoạt, điện và các dịch vụ khác.

Bộ Y tế kiểm tra bệnh viện thu phí dịch vụ người chăm nuôi bệnh nhân - 1

Hay tại BV Từ Dũ bị người dân phản ánh phải nộp thêm 100.000 đồng phí chăm nuôi bệnh nhân.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết một số bệnh viện trên địa bàn thành phố triển khai thu phí thăm nuôi của người nhà bệnh nhân trên cơ sở cung ứng dịch vụ theo nhu cầu, khoản thu này đã được Sở Y tế cho phép thực hiện. Tuy nhiên, việc thu trọn gói bất kể người thăm nuôi bệnh có sử dụng dịch vụ hay không là không đúng, Sở Y tế sẽ tiến hành ra soát lại để kịp thời chấn chỉnh.

Trước thông tin BV thu phí thăm nuôi, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết sẽ cho kiểm tra lại, nếu xác định có bất hợp lý sẽ có ý kiến chính thức. Đề nghị Sở y tế nơi nhận được ý kiến phản ánh của gia đình bệnh nhân cũng cần rà soát, căn cứ trên các quy định để chấn chỉnh nếu thực hiện không đúng.

Ông Nam Liên cho biết thêm, trong cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Thông tư 37/2018/TT-BYT đang có hiệu lực, giá viện phí được  xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.

Theo đó, các chi phí trực tiếp tính trong mức giá khám bệnh gồm: chi phí về quần áo, mũ, khẩu trang, găng tay, bông, băng, cồn, gạc, vật tư tiêu hao khác phục vụ công tác khám bệnh; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải sinh hoạt...; chi phí vệ sinh và bảo đảm vệ sinh môi trường; vật tư, hóa chất khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn; chi phí duy tu, bảo dưỡng nhà cửa, trang thiết bị, mua sắm thay thế các tài sản, dụng cụ...

Khi tiến tới tính đủ 100% thì cũng trên tinh thần 1 bệnh nhân có 1 người nhà chăm bệnh. 

Trong khi trên thực tế đang diễn ra cảnh 1 người đi viện có 2 - 3 người chăm nuôi cũng gây nên áp lực quá tải, các chi phí  như điện nước, vệ sinh tăng lên.

Hồng Hải