Bộ trưởng Y tế: Nhiều người dân, đến cán bộ cũng lười khám sàng lọc

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nếu nói đến dự phòng chỉ là chống dịch, tiêm chủng, vệ sinh môi trường,nhà vệ sinh sạch... là quá hạn hẹp. Chúng ta phải hướng tới nâng cao ý thức cộng đồng để người dân có ý thức về sức khoẻ, biết huyếp áp mình bao nhiêu,có tiểu đường không, ngày đi bộ, tập thở được bao nhiêu lần.

Mời khám sàng lọc dân vẫn... lười khám

Sáng 11/1, tại tỉnh Lâm Đồng, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2”.

TS Nguyễn Thị Mai An, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự Án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên cho biết, Dự án "Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2” từ nguồn vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống y tế 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng).

Tổng vốn của dự án từ nguồn ODA của ADB là 70 triệu USD, tương đương 1.457,96 tỷ đồng, cùng với vốn đối ứng của Trung ương và địa phương là 137,5 tỷ đồng. Qua hơn 4 năm thực hiện (từ tháng 6-2014), tất cả các hoạt động như: mua sắm xe cứu thương, thiết bị y tế, thiết bị văn phòng, tuyển chọn tư vấn, xây dựng cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực, truyền thông… đã được triển khai thực hiện đồng bộ ở các tuyến.

Cùng đó, dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp sửa chữa 83 công trình với tổng kinh phí 21,439 triệu USD. Hỗ trợ đào tạo cả dài hạn (chuyên khoa I và chuyên khoa II, bác sĩ liên thông) và ngắn hạn về chuyên môn, năng lực quản lý cho cả tuyến huyện, tuyến xã. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông và phát triển cộng đồng của dự án nhằm tăng cường hoạt động tại cộng đồng, thay đổi hành vi của cộng đồng tại vùng sâu, vùng xa về phòng chống bệnh, tiếp cận, sử dụng hiệu quả dịch vụ y tế cũng như lợi ích của bảo hiểm y tế.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, dự án này đã góp phần hỗ trợ phát triển hệ thống y tế 5 tỉnh Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân các tỉnh thuộc dự án.

Bộ trưởng Y tế: Nhiều người dân, đến cán bộ cũng lười khám sàng lọc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Y tế cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền để chăm sóc sức khỏe người dân ngay từ khi khỏe mạnh, dự phòng, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm từ việc thay đổi hành vi. Ảnh: H.Hải

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế cũng lưu ý, trong y tế dự phòng, không nên suy nghĩ hạn hẹp, cứ dự phòng là chống dịch, tiêm chủng, vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh sạch... đó chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động dự phòng. Điều quan trọng hơn, đó là làm sao để người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu từ khi chưa bị bệnh. Cần chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh và sau cùng là điều trị bệnh.

"Chúng ta xây mới nhiều trạm y tế, cơ sở vật chất tốt, nhưng có bao nhiêu bà con đến trạm y tế đo đường huyết , đo huyết áp. Tôi không dám mơ ước như các nước phát triển, người dân được kiểm soát tiểu đường, tim mạch, ung thư hay bệnh phổi tác nghẽn mãn tính ngay từ cơ sở nhưng tôi mong muốn người dân được theo dõi huyết áp, tiểu đường ngay ở tuyến cơ sở. Nhưng nhiều đồng bào, thậm chí cán bộ công nhân viên khi đo mới biết mình cao huyết áp, cholesterol cao, giai đoạn sớm của tiểu đường. Họ không phải không được chăm sóc mà không có ý thức chăm sóc", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Ông Nguyễn Xuân Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp (tỉnh Đắk Nông) cho biết, tại huyện có 11 xã thị trấn đều được xây dựng theo mô hình mới, trong đó năm 2018 xây dựng được 4 trạm.

Tại trạm y tế xã trung bình mỗi ngày có 40 - 60 bệnh nhân đến khám, với tỉ lệ tương đối cao. Tuy nhiên, người dân chỉ đến viện khám khi có bệnh. Trong năm 2018, Trung tâm y tế tổ chức khám vét tất cả người dân từ 45 tuổi trở lên để phát hiện sớm bệnh cao huyết áp.

"Dự kiến con số là 22 ngàn người dân, nhưng thực tế chỉ có 5000 người dân đến khám, đa phần là người già 60 - 70 tuổi. Số còn lại trong năm 2019 chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức chiến dịch, tuyên truyền để người dân đến trạm y tế xã khám, phát hiện sớm bệnh", ông Oanh cho biết.

Theo Bộ trưởng Y tế, tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới hơn 70% tổng số các ca tử vong. Đó là các bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường... và đến 40% nguy cơ bệnh là do lối sống, 20% là do di truyền.

Đa số người dân Tây Nguyên, vùng sâu xa, người dân tộc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn làm sao để họ được tuyên truyền có ý thức nâng cao sức khoẻ, nhất là phòng chống các bệnh không lây nhiễm bằng chính các hành vi tốt cho sức khỏe hàng ngày như đo huyết áp, không ăn mặn, tăng cường vận động, rửa tay trước ăn, không hút thuốc, rượu bia... Cần tuyên truyền người dân thay đổi hành vi để mang lại lợi ích cho sức khoẻ, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh viện huyện "vượt mặt" bệnh viện tỉnh hút bệnh nhân

TS Hà Văn Thuý, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên cho biết, thành quả Dự á y tế tại Tây Nguyên không chỉ giúp phát triển y tế cơ sở, có bệnh viện huyện vượt bệnh viện tỉnh thu hút bệnh nhân, mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chăm sóc sức khoẻ, phát hiện sớm bệnh.

Bộ trưởng Y tế: Nhiều người dân, đến cán bộ cũng lười khám sàng lọc - Ảnh 2.

TS Hà Văn Thuý, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: H.Hải

Như tại Bệnh viện huyện Đắk R'lấp, số bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú đã vượt bệnh viện tỉnh Đắk Nông. Người dân ngày càng tin tưởng vào y tế cơ sở, điều trị ngay tại địa phương.

Theo TS Thuý,k để phát triển nguồn nhân lực của 5 tỉnh Tây Nguyên, Dự án đã hỗ trợ đào tạo cả dài hạn (bác sĩ chuyên khoa I,II, bác sĩ liên thông…) và ngắn hạn về chuyên môn và năng lực quản lý cho cả tuyến huyện và tuyến xã.

Hoạt động đào tạo của Dự án được chia thành 25 nội dung, với tổng kinh phí khoảng 6,5 triệu USD, chiếm 8,9% tổng kinh phí vốn ODA. Hiện nay, đã có 8.850 cán bộ đã được Dự án hỗ trợ đào tạo cả dài hạn và ngắn hạn, đạt 75% kế hoạch.

Dự án cũng đã triển khai cung cấp các gói dịch vụ y tế thích hợp tại cộng đồng đến năm 2018 tại 40% số xã, thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông cộng đồng tại 11 huyện nghèo, thực hiện hoạt động giáo dục và truyền thông nhóm nhỏ tại 108 xã nghèo.

Dự án sẽ cung cấp trang thiết bị và xe ô tô cho 99 đơn vị, gồm: 3 bệnh viện tỉnh, 26 bệnh viện/trung tâm y tế huyện, 54 trạm y tế xã, 11 phòng khám đa khoa khu vực, 4 trường Trung cấp y tế và viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên với tổng kinh phí được phân bổ là 25 triệu USD, chiếm 36,23% tổng vốn ODA. Dự án đã trao hợp đồng 39 gói thầu, dự kiến 34 gói thầu còn lại sẽ trao trong tháng 1/2019.

Hồng Hải