Bộ trưởng Y tế chỉ trích truyền thông phòng chống dịch sai

(Dân trí) - “Mấy hôm nay chúng tôi rất bức xúc về phương thức tiếp truyền kiến thức phòng bệnh cho người dân”. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng các báo đài đang tập trung vào phản ánh dịch bệnh tại bệnh viện khiến người dân hoang mang mà quên truyền thông phòng bệnh.

Mở đầu nội dung phát biểu tại buổi lễ phát động “Chiến dịch phòng chống bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết” (tổ chức tại TPHCM ngày 12/10) Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Cần phải tập trung phòng bệnh để không có người bị mắc bệnh, không có tử vong. Mấy hôm nay chúng tôi rất bức xúc về phương thức tiếp truyền kiến thức cho người dân khi nội dung phòng bệnh, thông điệp truyền thông sai”.

Bộ Trưởng Kim Tiến bức xúc về phương thức truyền thông phòng bệnh sai
Bộ Trưởng Kim Tiến bức xúc về phương thức truyền thông phòng bệnh sai

Theo Bộ trưởng: Thay vì truyền thông để người dân có hành vi hạn chế nguy cơ mắc bệnh thì các nhà báo đang truyền thông theo hướng khi nào bị bệnh thì đến cơ sở y tế. Đối với tay chân miệng, chỉ truyền thông đây là bệnh lây qua đường phân miệng do vi rút, cơ bản phải vệ sinh tay, rửa tay cho trẻ em người chăm sóc trẻ bằng xà bông, giữ sạch khăn, đồ chơi, nhà vệ sinh, ăn uống đầy đủ… chỉ thế thôi.

Sốt xuất huyết đơn giản là chỉ cho người dân biết con muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết đẻ ở chỗ nước sạch nên phải dẹp bỏ, lật úp vật chứa nước sạch; đổ nước trong bình bông, nước trong chén thờ ở các am thờ ngoài trời, vỏ xe, lon sữa bò, lật úp tất cả lại… chứ không phải chiến dịch vệ sinh môi trường, cầm chổi đi quét rác, phát quang bụi rậm đó là những cách làm không đúng.

Đối với bệnh sởi thì đã có vắc xin phòng bệnh rất hiệu quả. Có những nước đã thông báo loạt trừ bệnh sởi như Châu Âu nhưng sau đó người dân không tiêm phòng khiến bệnh quay lại, rất nhiều ca tử vong. Chỉ cần tiêm sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến 2 tuổi. Vắc xin không thiếu, đừng để trẻ chết vì thiếu hiểu biết, không tiêm vắc xin. Nếu bị bệnh, ngay từ khi có dấu hiệu sốt, bỏ ăn… thì mang đến cơ sở y tế gần nhất để được khám chữa bệnh và luôn theo dõi tình trạng của trẻ.

Sởi và tay chân miệng đang tập trung ở nhóm trẻ nhỏ tuổi nguy cơ cao tại các điểm trường
Sởi và tay chân miệng đang tập trung ở nhóm trẻ nhỏ tuổi nguy cơ cao tại các điểm trường

Bộ trưởng cho rằng: Truyền thông mấy hôm nay toàn quay những cảnh bệnh nhi tay chân miệng, sởi nằm ở bệnh viện, nặng, tử vong, bệnh viện phải kê thêm giường, bác sĩ phải làm suốt ngày đêm… nhưng lại quên tuyên truyền cho người dân hiểu là không nên đưa con em mình vào tuyến cuối bởi ở đó đều là những ca bệnh nặng, có thể bị nhiễm thêm đủ thứ bệnh, nguy cơ tử vong cao.

Nếu chỉ tập trung vào tình trạng bệnh đông tại các bệnh viện với tình huống xảy ra thì đó là sự đã rồi, truyền thông kiểu này càng khiến người dân hoang mang. Bài học cay đắng đã xảy ra với dịch sởi tại Hà Nội (năm 2014) khi người dân hoang mang đổ xô đưa con vào bệnh viện nhưng càng vào nhiều càng chết nhiều.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Kim Tiến bày tỏ sự không hài lòng khi chính những bác sĩ cung cấp thông tin cho báo chí cũng đang đi sai hướng. “Các vị không tập trung vào công tác phòng bệnh, tuyên truyền cho dân hiểu mà đi nói quá nhiều những vấn đề về chuyên môn nào là chủng vi rút, bệnh tật trên thế giới, số liệu dịch bệnh từng năm tăng giảm ra sao… vòng vo một hồi đã hết thời gian, mấy thứ đó để cho hội thảo chuyên môn, dân không cần đâu”.

Bộ trưởng đi soi bọ gậy, kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết
Bộ trưởng đi soi bọ gậy, kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết

Bộ trưởng khuyến cáo cộng đồng: “Những bệnh viện tuyến cuối toàn bệnh nặng, nằm viện chật chội, trong khi bác sĩ chỉ có giới hạn vừa lo chăm trẻ bệnh nhẹ, vừa lo chăm trẻ bệnh nặng bệnh quá động không xử lý nổi sẽ khiến trẻ bệnh nặng chết, trẻ bệnh nhẹ nặng thêm. Nguy hiểm hơn là nguy cơ nhiễm chéo trong bệnh viện khi bệnh nọ lây sang bệnh kia hậu quả sẽ khôn lường. Phác đồ điều trị ở mọi nơi là như nhau, bác sĩ tuyến dưới chuyên môn cũng rất tốt, đừng mang con trẻ dồn lên tuyến trên mà tội nghiệp các cháu”.

Bộ trưởng khẳng định: “Những loại bệnh truyền nhiễm cấp tính lây rất nhanh, đôi khi đi qua đầu giường đã nhiễm bệnh nên phải cách li tuyệt đối. Tuy nhiên, hiện nay ngay trong công đoạn tiếp nhận khám các bệnh viện đã để sởi ngồi chung với tay chân miệng, hô hấp và các bệnh khác thì nguy cơ nhiễm chéo rất khủng khiếp”. Để hạn chế tử vong ở trẻ, sớm khống chế đẩy lùi dịch bệnh, Bộ trưởng Kim Tiến đề nghị các bệnh viện: “Lọc bệnh và cách li là 2 nguyên tắc phải tuân thủ, ca nặng phải đưa vào cấp cứu theo dõi từng ngày từng giờ để xử lý kịp thời, ca bệnh nhẹ dùng phương pháp điều trị trong ngày, cho về các phòng khám vệ tinh theo dõi, điều trị”.

Vân Sơn