Bỏ sớm 3 thói quen nuôi dưỡng tế bào ung thư

Ngoài yếu tố di truyền, lối sống sinh hoạt không lành mạnh, đặc biệt chế độ ăn uống là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến căn bệnh ung thư. Vì vậy, muốn phòng tránh căn bệnh quái ác này nhất định phải từ bỏ những thói quen dưới đây càng sớm càng tốt.

1. Ăn thức ăn thừa

Để tiết kiệm chi phí, một số người có thói quen bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh và dùng lại thức ăn thừa cho những bữa ăn tiếp theo. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian lưu trữ sẽ khiến thức ăn mất đi hàm lượng dinh dưỡng vốn có; đồng thời, sinh ra một số nấm, vi khuẩn gây bệnh, thậm chí còn tạo ra các hợp chất Nitrite.

Khi để qua đêm, một số thực phẩm như: rau xào, canh xương hầm… sẽ sản sinh ra hàm lượng Nitrite cao. Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), Nitrite là một chất có thể gây ung thư. Khi chất này đi vào cơ thể, kết hợp cùng protein tạo thành Nitrosamine làm tăng nguy cơ ung thư thực quản và ung thư dạ dày. 

Lời khuyên: Khi chế biến, không nên nấu quá nhiều thức ăn cùng một lúc. Tốt nhất nên sử dụng tất cả thực phẩm trong một bữa, hạn chế thói quen nấu lại thức ăn thừa. 

2. Trái cây bị mốc

Nhiều người cho rằng hoa quả bị dập nát hoặc có dấu hiệu mốc, chỉ cần gọt bỏ một phần và rửa sạch vẫn có thể ăn được, không ảnh hưởng đến chất lượng. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia, chính những nấm mốc khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường, lại mang mầm bệnh ung thư rất nguy hiểm.

Hoa quả bị hỏng, mốc sẽ tồn tại các vi sinh vật như Penicillium difficile. Penicillium difficile - loại độc tố có thể gây rối loạn đường ruột, phù thận và có thể gây ung thư.

Theo một số nghiên cứu, cho dù gọt bỏ phần trái cây thối thì phần còn lại vẫn bị nhiễm khuẩn, các vi sinh vật phát triển sinh ra vô số chất độc. Thông qua nước dịch của trái cây, những độc tố bắt đầu lan ra các phần chưa hư thối.

Lời khuyên: Cắt bỏ phần bị hỏng của trái cây cũng không giúp ích cho sức khỏe hay tiết kiệm thêm tiền. Bởi “bệnh từ miệng mà ra” nên đừng quá tiết kiệm trong vấn đề ăn uống. Khi phát hiện trái cây có giòi và bị thối thì tuyệt đối không được ăn.

3. Tái sử dụng dầu ăn

Dù có rất nhiều cảnh báo nguy hiểm về việc tái sử dụng dầu ăn có thể thay đổi hợp chất hóa học, gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi chế biến thực phẩm, nhiều gia đình vẫn có thói quen cất lại phần dầu thừa cho lần nấu nướng tiếp theo.

Việc chiên đồ quá nóng và sau đó tái sử dụng dầu sẽ làm thay đổi cấu trúc chất béo, tạo ra các hợp chất độc hại không tốt cho cơ thể.

Theo các chuyên gia, sau khi mở nắp, ba tháng là khoảng thời gian an toàn để sử dụng dầu ăn. Đặc biệt, dù còn thời hạn sử dụng nhưng nếu phát hiện dầu có dấu hiệu: hôi, khó ngửi, nhờn, sệt, màu đậm hơn so với  ban đầu thì vứt ngay lập tức. Bởi việc bảo quản không đúng cách có thể khiến dầu ăn bị oxi hóa, nhanh hỏng.

Lời khuyên: Nếu nhà có ít người, tốt nhất nên mua loại dầu ăn có dung tích nhỏ. Trong thời gian sử dụng, đóng chặt nắp và cất giữ trong tủ đóng kín để hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp, giúp dầu bảo quản được lâu hơn.

Theo Laodong.vn