Biến vi khuẩn trở thành “đội quân” chống ung thư, tại sao không?

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Texas và Đại học Chicago vừa phát hiện khả năng sinh sôi ngay trong tế bào ung thư của một loại vi khuẩn đường ruột.

Theo thông tin được công bố trên tạp chí khoa học Experimental Medicine, việc sử dụng loại vi khuẩn mang tên bifidus cho các bệnh nhân ung thư, có thể giúp tăng cường đáp ứng của họ với liệu pháp miễn dịch kháng CD47.

CD47 là một loại protein biểu hiện trên bề mặt của nhiều loại tế bào ung thư khác nhau. Ức chế được loại protein này sẽ cho phép hệ miễn dịch của bệnh nhân tấn công và tiêu diệt khối u. Các loại kháng thể nhắm đến CD47 hiện đang được thử nghiệm, như một phương pháp điều trị dành cho nhiều loại ung thư. Tuy nhiên các kết quả thử nghiệm trên chuột ở thời điểm hiện tại lại cho kết quả chưa đồng nhất: Một số chú chuột đáp ứng với liệu pháp kháng CD47, trong khi một số khác lại không.

Biến vi khuẩn trở thành “đội quân” chống ung thư, tại sao không? - 1

Điều may mắn là vấn đề này có lẽ sẽ sớm được giải quyết, khi nhóm nghiên cứu được dẫn đầu bởi TS Yang-Xin Fu và TS Ralph R. Weichselbaum đã phát hiện ra rằng, việc đáp ứng với liệu pháp kháng CD47 phụ thuộc vào một loại vi khuẩn thường sống trong đường ruột của động vật.

Cụ thể, trong nghiên cứu của mình, họ đã ghi nhận được kết quả: Những chú chuột ung thư bình thường vẫn đáp ứng với liệu pháp kháng CD47, sẽ mất đi khả năng đáp ứng này nếu vi khuẩn đường ruột của chúng bị tiêu diệt, bởi các loại kháng sinh mà nhóm tác giả sử dụng.

Ngược lại liệu pháp kháng CD47 lại trở nên hiệu quả ở những chú chuột vốn không đáp ứng với liệu pháp này, nếu chúng được bổ sung vi khuẩn bifidus (một loại vi khuẩn được tìm thấy trong đường tiêu hóa của chuột và cả con người trong tình trạng khỏe mạnh). Trong các nghiên cứu trước đây, vi khuẩn bifidus cũng được chứng minh là có lợi với những người mắc bệnh viêm loét đại tràng.

Biến vi khuẩn trở thành “đội quân” chống ung thư, tại sao không? - 2

Về cơ chế tăng cường đáp ứng với liệu pháp miễn dịch của vi khuẩn bifidus, nhóm tác giả giải thích rằng, loại vi khuẩn này không chỉ sinh sôi trong đường ruột, mà nó còn có thể thâm nhập vào trong khối u ung thư và phát triển tại đây. Trong môi trường mới này, vi khuẩn bifidus còn kích hoạt các đường truyền tín hiệu miễn dịch, từ đó hoạt hóa các tế bào miễn dịch. Khi được kết hợp cùng liệu pháp kháng CD47, đội quân miễn dịch này sẽ tấn công và tiêu diệt các khối u ở xung quanh chúng.

“Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng, một thành viên của hệ vi sinh đường ruột, bằng cách xâm chiếm khối u, có thể làm tăng hiệu quả chống ung thư của liệu pháp kháng CD47. Lợi dụng loại vi khuẩn này, chúng ta có thể phát triển một liệu pháp miễn dịch hiệu quả để chống lại căn bệnh ung thư” - TS Yang-Xin Fu nhấn mạnh.

Minh Nhật

Theo MedicalXpress