Bị viêm màng não mủ nặng do không chích ngừa đủ

Nguồn tin từ khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết nơi này đang điều trị bé N.V.T.P., nam, sáu tháng tuổi, ngụ tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, bị viêm màng não mủ Hib thể nặng.

Ngày 15/1, bé P. vào bệnh viện địa phương với chẩn đoán viêm não. Sau hai ngày điều trị ở đây, bé bỏ bú, co giật và được chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1. Khi vào, bé đã ngưng thở, co giật liên tục, phải thở máy. Kết quả xét nghiệm dịch não tuỷ cho thấy bé bị viêm màng não mủ do vi khuẩn Hemophilus influenza type b. Chụp CT phát hiện não có biến chứng tụ mủ và nhồi máu rải rác.

 

Ngày 23/1, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, cho biết bé P. đã qua cơn nguy kịch, cai máy thở, nhưng chưa thể tự bú. Ông nói: “Những dấu hiệu này cho thấy đây là một ca viêm màng não mủ nặng, có khả năng bị di chứng sau này”. Trao đổi với mẹ bé P., chị cho biết P. được chích ngừa sau sinh (ngừa lao và viêm gan siêu vi B) và một mũi vắc xin 5 trong 1 (Quinvaxem) lúc hai tháng tuổi. Hai tháng sau đó, do P. bị bệnh vào đúng ngày chích ngừa Quinvaxem định kỳ nên không thể chích đúng theo lịch. Chị X. nói: “Vào ngày 25 mỗi tháng, địa phương đều có chích ngừa, nhưng do cháu bệnh, nhân viên y tế không cho chích. Tôi hối hận tại sao không đưa cháu đi chích ngày khác khi cháu không có bệnh. Đứa lớn của tôi chích ngừa đầy đủ, nên cháu hầu như chẳng có bệnh gì”.

 

Theo bác sĩ Khanh, bệnh viện Nhi Đồng 1 có chương trình giám sát bệnh viêm màng não mủ do Hib. Cách đây hai năm, sau khi triển khai chích Quinvaxem trong cộng đồng, số ca bệnh giảm rõ. Nhưng giờ đây không chỉ xuất hiện nhiều những ca viêm màng não mủ do Hib, mà số ca nặng của bệnh này có nguy cơ để lại di chứng cũng tăng lên. Bác sĩ Khanh nói: “Không chỉ vận động người dân chích ngừa đầy đủ, nhân viên y tế còn phải nói rõ vắcxin 5 trong 1 ngừa được viêm màng não mủ do Hib, chứ nói Quinvaxem chung chung, nhiều khi dân không biết”.

 

Theo Ph. Sơn

Sài Gòn tiếp thị