Bí quyết chế ngự nỗi sợ hãi khi nói trước đám đông

(Dân trí) - Rất nhiều trẻ em - và cả người lớn - cho biết họ thường cảm thấy căng thẳng trong các tình huống giao tiếp xã hội.

Đó có thể là phát biểu trong lớp học, gọi điện thoại, hoặc chỉ là thử một điều gì đó mới. Bạn có thể cảm thấy cồn cào trong bụng, tim đập loạn nhịp hoặc đột nhiên run rẩy và toát mồ hôi. Đó là những phản ứng của cơ thể khi đối mặt với sự sợ hãi. Và nếu việc sợ bị mất mặt hoặc sợ mắc phải sai lầm đang cản đường bạn, thì có một số cách có thể giúp vượt qua nỗi lo sợ này.

Đừng trốn tránh

Các chuyên gia đồng ý rằng việc trốn tránh các tình huống gây lo lắng thực sự có thể làm cho mọi thứ tồi tệ hơn về lâu dài.

Rachel Busman, một nhà tâm lý học thuộc Viện Tâm lý Trẻ em, nói: “Cố gắng lảng tránh điều mà bạn không muốn làm có thể khiến bạn cảm thấy “dễ thở” hơn trong chốc lát, nhưng rồi bạn sẽ vẫn cảm thấy lo lắng trong lần tới khi bạn bị yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đó”.

Và những điều làm cho chúng ta lo lắng - như bắt chuyện với người mới quen hoặc thuyết trình - sẽ không nhờ thế mà biến mất.

Thúc đẩy bản thân

Tuy việc phải rời khỏi “vùng an toàn” là điều không mấy dễ dàng, song nó có thể rất tốt cho bạn. Vì sự lo lắng thường biến mất khi bạn bắt tay giải quyết điều đang khiến bạn lo lắng.

Vì vậy, nếu cảm thấy quá ngại ngùng khi bước vào căng-tin một mình hoặc yêu cầu ai đó cùng làm thí nghiệm với bạn, hãy thử đối mặt với nỗi sợ và xem điều gì sẽ xảy ra. TS. Busman nói: "Nhiều khả năng là kết quả tồi tệ nhất mà bạn lo sợ sẽ không xảy ra. Và nếu có, bạn sẽ thấy mình có kỹ năng để giải quyết nó".

Và lần sau nếu gặp phải tình huống đó, bạn sẽ cảm thấy ít lo lắng hơn.

Thực hành

Hãy thử làm điều khiến bạn lo lắng và coi đó như một thí nghiệm khoa học. Bạn có thể bắt đầu bằng những việc nhỏ và dễ dàng. Chọn mục tiêu thực tế là điều rất quan trọng - bạn không nhất thiết phải tự ứng cử vào vị trí lớp trưởng.

Nếu bạn nghĩ mình muốn tham gia một câu lạc bộ, đầu tiên hãy thử tham dự một buổi họp. Hoặc nếu bạn muốn làm tình nguyện nguyên tại trung tâm cứu hộ động vật địa phương, nhưng lại cảm thấy lo lắng về điều này, thì ban đầu hãy thử đi cùng một người bạn hoặc người thân trong gia đình.

Dù làm gì, bạn cũng sẽ thấy rằng điều đó dần trở nên dễ dàng hơn. Đó là bởi vì khi thực hành những điều làm bạn lo lắng, bạn đang thực sự mở rộng khả năng xử lý chúng. Điều này cũng đúng ngay cả khi mọi thứ không theo chính xác như những gì bạn hy vọng.

Ví dụ, rất nhiều trẻ ngại hỏi thầy cô giáo vì lo rằng đáng lẽ mình phải biết câu trả lời. Nhưng nếu bạn quyết định hỏi thầy cô giáo của mình và đượ đáp lại rằng “Điều đó em đã được học rồi, vì vậy hãy hỏi bạn xem”, thì có lẽ bạn sẽ thấy việc lắng nghe không phải là vấn đề gì lớn. Đó chỉ là một cách khác để thực hành thôi.

Cẩm Tú

Theo WebMD