Bí mật đặt camera giám sát, thẳng tay phạt hơn 200 triệu với nhà hàng, khách sạn còn khói thuốc

(Dân trí) - Giám sát bí mật, giám sát qua camera, phạt tiền (500.000-2 triệu), tạm đình chỉ làm việc với lái xe, phụ xe hút thuốc lá trên xe, phạt tiền với nhà hàng, khách sạn còn để gạt tàn trong khuôn viên, chưa có biển cấm hút thuốc lá… là một loạt các biện pháp nhằm thực thi môi trường không khói thuốc.

Hút thuốc lá trên xe bus: Phạt tiền triệu

Chia sẻ kinh nghiệm về thực thi môi trường không khói thuốc tại TP HCM, ông Hồ Quý Vinh, Trưởng bến xe buýt Sài Gòn cho biết để giảm hút thuốc lá thụ động tại các địa điểm giao thông công cộng ở thành phố, một dự án được triển khai tại Bến xe buýt Sài Gòn và Bến xe Miền Tây trong 2 năm (11/2018-10/2020). Đơn vị thực hiện chính là Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng của TP.

Bí mật đặt camera giám sát, thẳng tay phạt hơn 200 triệu với nhà hàng, khách sạn còn khói thuốc - 1

Ông Hồ Quý Vinh, Trưởng bến xe buýt Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm thực hiện môi trường không khói thuốc lá tại bến xe.

Trong đó chú trọng đào tạo nâng cao hiểu biết để thực thi luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cho lái xe, tiếp viên, doanh nghiệp vận tải của thành phố… Ngoài tuyên truyền, phát tờ rơi, dự án cũng gắn bảng mica có biểu tượng cấm hút thuốc lá và mức phạt theo quy định.

Theo ông Vinh, điểm đáng chú ý của dự án là mô hình giám sát “bí mật”, nhân viên bí mật đến 2 bến xe chụp hình ghi lại kết quả. Lần thứ nhất, kết quả giám sát chưa như mong muốn, tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra, nhân viên bến xe chưa nhắc nhở. Song đến lần thứ 2, nhân viên bến xe đã hiểu và góp phần nhắc nhở thường xuyên hơn để khách bớt hút thuốc tại nơi công cộng.

Ngoài ra, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cũng đưa quy định cấm hút thuốc lá vào hợp đồng vận tải để xử phạt lái xe, phụ xe hút thuốc lá trên xe. Mức phạt rất nặng. Cụ thể, lần thứ 1 lái xe, nhân viên phục vụ vi phạm sẽ bị phạt 500.000 đồng, lần thứ 2  là 1 triệu và phạt bổ sung đề nghị doanh nghiệp vận tải đình chỉ hoạt động cá nhân vi phạm 5 ngày và phải đi học lại lớp nghiệp vụ xe buýt. Lần thứ 3 mức phạt tăng lên 2 triệu và đình chỉ 10 ngày.

Bí mật đặt camera giám sát, thẳng tay phạt hơn 200 triệu với nhà hàng, khách sạn còn khói thuốc - 2

Mô hình du lịch không khói thuốc tại TP HCM.

Theo ông trong năm 2018 có hơn 230 trường hợp bị xử phạt, đến năm 2019 giảm xuống còn 91 trường hợp. Đến nay đã phạt số tiền là hơn 46 triệu đồng. Sắp tới, hai bến xe sẽ đưa quy định cấm hút thuốc vào quy chế nội bộ, thi đua đối với cán bộ nhân viên, người lao động có chế tài cụ thể như cắt thưởng từ A, B và C, chênh lệch 1-2 triệu  đồng.

“Bước đầu thưc hiện dự án đã có những kết quả khả quan. Hầu như không còn tình trạng hút thuốc trên phương tiện công cộng, tại bến xe thuốc lá cũng không được bán công khai như trước. Tàn thuốc lá, đầu điếu thuốc cũng không vứt bừa bãi trên sàn như trước”, ông Vinh cho biết. Ông đề xuất trao quyền cho trưởng bến xe có thể xử phạt để phù hợp với thực tế.

Phạt hơn 200 triệu 36 nhà hàng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá 

Tại Hà Nội, chia sẻ về mô hình nhà hàng, khách sạn không khói thuốc, bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Y tế Quận Hoàn Kiếm cũng cho biết từ năm 2017 đến nay đã có gần 200 nhà hàng, khách sạn đăng ký và ký cam kết thực hiện. Cụ thể các cơ sở cần có nội quy hoặc biển báo cấm hút thuốc trong nhà hàng - khách sạn, không mua bán quảng cáo tiếp thị các sản phẩm thuốc lá, nhắc nhở, xử phạt nhân viên hút thuốc lá trong nhà hàng - khách sạn, không có gạt tàn, đầu mẩu thuốc lá trong khu vực…

Để kiểm tra, giám sát thực hiện của các nhà hàng, khách sạn một đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập gồm y tế, kinh tế, công an, quản lý thị trường và thú y. Trong 2 năm (2017-2018) đã kiểm tra gần 300 đơn vị, xử phạt 36 nhà hàng, khách sạn với tổng số tiền là 259,5 triệu đồng. Theo bà Nhàn nhà hàng, khách sạn còn để gạt tàn trong khuôn viên (trừ nơi dành cho khách hút), chưa có biển cấm hút thuốc lá, chưa có biển nội quỵ… đều bị xử phạt.

Đồng thời, quận Hoàn Kiếm cũng lên kế hoạch triển khai điểm du lịch không khói thuốc trong thời gian tới. Dự kiến thực hiện tại 14 điểm di tích lịch sử và 16 điểm văn hoá lớn trên địa bàn.

Cùng với việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá Quốc hội cũng cho phép thành lập Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để đảm bảo nguồn lực bền vững cho việc thực thi hiệu quả Luật.  Sau 6 năm hoạt động, Quỹ đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội và 63 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện các hoạt động phòng chống của thuốc lá trong toàn quốc. Nhiều mô hình xây dựng môi trường không khói thuốc được thí điểm và nhân rộng tại nhiều nơi.

Theo Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, đến nay tỷ lệ người phơi nhiễm thụ động với khói thuốc cũng giảm, tại nơi làm việc giảm 13%, trường đại học, cao đẳng giảm 16%, trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%... Tỷ lệ người nhận biết về các bệnh do hút thuốc tăng.

Việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiên giao thông cộng cộng. Hành vi hút thuốc nơi công cộng ngày càng không được cộng đồng chấp nhận như trước đây. Nhiều người không hút thuốc đã dám lên tiếng nhắc nhở người hút thuốc không hút tại nơi có quy định cấm.

 Nam Phương