Bí kíp ăn ngon, tập vui cho người cao tuổi

(Dân trí) - Đối với người cao tuổi, sống vui sống khoẻ là điều quan trọng nhất. Và theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng hợp lý và 1 chế độ tập luyện phù hợp đóng vai trò quyết định đối với sức khoẻ người già.


Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Ăn lành mạnh

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, điều đầu tiên người cao tuổi cần lưu ý là: Tránh ăn quá no, đặc biệt khi có bệnh ở hệ tim mạch.

Làm thức ăn mềm và chú ý tới món canh: Do răng yếu dần, tuyến nước bọt hoạt động kém, vấn đề nuốt thức ăn có khó khăn, do đó khi chế biến cần cắt nhỏ thực phẩm, nấu mềm và nên có nhiều nước (dạng canh).

Cần lên thực đơn cho mỗi bữa ăn của người già với đủ các món như sau:

- Có món ăn cung cấp năng lượng chủ yếu là chất bột, món chính là cơm. Cơm trắng hoặc cơm trộn ngô, trộn đậu xanh, đậu đen, trộn khoai hay cám (cám rất bổ do nhiều vitamin).

Ngoài cơm, có thể ăn bánh mì, ngô hoặc ăn khoai, đặc biệt là khoai sọ chấm muối vừng, rất phù hợp với người cao tuổi.

- Có món ăn chủ lực hỗn hợp giàu đạm béo chủ yếu cung cấp chất đạm và chất béo, bao gồm thịt các loại, cá và thủy sản, đậu phụ và đậu các loại. Các món ăn này có thể làm riêng từng loại như thịt kho, thịt gà luộc, cá rán, trứng tráng, đậu phụ kho, rán hoặc hỗn hợp như giả ba ba (có thịt, có đậu phụ), đậu phụ nhồi thịt, trứng đúc thịt hoặc chế biến sẵn thửực aờn để ăn dần như tương, muối vừng, lạc. Mỗi bữa chỉ nên có tối đa 2 món chủ lực.

- Có món salát, chủ yếu để cung cấp rau - nguồn vitamin, chất khoáng, chất xơ cho cơ thể. Trong món salát có kèm dầu ăn, vừng, lạc để chế biến ra các món nộm hoặc các món salát hỗn hợp nhiều loại rau, củ, qủa khác.

- Có món canh cung cấp nước và các chất dinh dưỡng bổ sung cho cơ thể. Từ nước rau, canh suông, canh rau muống tương gừng đến canh cá, canh giò, canh thịt. Những món canh chua rất được ưa thích trong mùa hè và những món canh dưa với lạc, với cá, với thịt rất được ưa thích trong mùa đông.

- Có đồ uống: Nhớ là ăn cần đi đôi với uống. Đối với người cao tuổi, hạn chế dùng rượu. Chỉ cần nước trắng, nước chè và có món canh trong bữa ăn.

Tóm lại, trong bữa ăn, ngoài cơm ra, cần chú ý món chủ lực giàu đạm béo, món rau, món canh và nước uống. Nếu có điều kiện, thêm món quả chín tráng miệng.

Chú ý đảm bảo vệ sinh trong quá trình nấu nướng. Họa từ mồm ra và bệnh từ mồm vào, không được để thức ăn trở thành nguồn gây bệnh.

Rèn thể lực đều đặn

Tuổi càng cao, khả năng vận động của thể lực sẽ càng giảm dần, kéo theo đó là nguy cơ phát sinh bệnh tật và rút ngắn tuổi thọ.

Cơ thể có hoạt động ăn mới ngon miệng. Tập luyện hợp lý góp phần hạn chế những hậu quả của giảm vận động, tăng lưu thông máu, tăng cung cấp ôxy cho tổ chức, phục hồi hoạt động của hệ xương, cơ, khớp, khôi phục hoạt động của các chức năng và khả năng thích nghi của cơ thể, mặt khác còn có tác dụng hạn chế một số rối loạn hoặc chứng bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi.

Luyện tập còn đem lại nguồn vui cho cuộc sống, thêm lạc quan yêu đời, tạo nên sự thoải mái về tinh thần.

Tập luyện cả tâm trí bằng cách luôn nhận thức, tiếp nhận thông tin mới, hiểu biết mới với thái độ thoải mái sẽ tạo nên niềm vui, giúp tâm an, vui khoẻ.

Tuy nhiên, cần chọn phương pháp luyện tập có hiệu quả và phù hợp với sức khỏe và bệnh tật của bản thân và kiên trì.

Tốt nhất là đi bộ với tốc độ 90-110 bước/phút khi khoẻ. Còn khi yếu thì đi bộ theo sức của mình. Đi bộ, đạp xe, bơi lội còn giúp cho chân đứng vững và đi lại tốt hơn.

Các bài tập thể dục cho bàn tay giúp duy trì sự mềm dẻo khớp cổ tay và ngón tay.

Cuối cùng, để có kết quả trong rèn luyện, điều quan trọng của luyện tập không phải là tập nhiều, tập hết sức mà chính yếu là tập thường xuyên, có hệ thống, phù hợp với bản thân và kiên trì liên tục.

Minh Anh