Bị kẹt ở Nam Cực, bác sĩ tự mổ ruột thừa cho mình

(Dân trí) - Một bác sĩ khoa Ngoại 27 tuổi đã tự cứu mình và sống khoẻ mạnh đến nay sau khi tự phẫu thuật đoạn ruột thừa trong chuyến đi thám hiểm vùng đất Nam Cực khắc nghiệt.

Ở tít sâu trên mảnh đất Nam Cực, nơi mùa đông khắc nghiệt đang tới gần. Đoàn thám hiểm biết rằng trước mắt họ là những tháng không có ánh mặt trời, bão tuyết và cái lạnh khủng khiếp. Từ Nga, họ đã đi theo đường biển trong 36 ngày. Con tàu để họ lại đây ngày 5/11/1960 và sẽ không quay lại trước năm tới.

Trong nhóm có một bác sĩ ngoại khoa 27 tuổi người Leningrad là Leonid Ivanovich Rogozov, người đang có cảm giác bất an trước cơn đau bụng ngày một mạnh dần.

Bị kẹt ở Nam Cực, bác sĩ tự mổ ruột thừa cho mình
 Bác sĩ Leonid Rogozov, (bên trái trong ảnh với người bạn là Yuri Vereschagin), đã buộc phải tự cắt ruột thừa cho mình khi bị kẹt trong chuyến thám hiểm ở Nam Cực – nơi anh là bác sĩ duy nhất trong đoàn

Bị kẹt ở Nam Cực, bác sĩ tự mổ ruột thừa cho mình
Ảnh 2 BS Rogozov (bên phải trong ảnh) đang tham gia đoàn thám hiểm Nam Cực gồm 12 người thì bị viêm ruột thừa. Anh biết rằng mình sẽ chết nếu ruột thừa vỡ ra

Bị kẹt ở Nam Cực, bác sĩ tự mổ ruột thừa cho mình
Anh đã quyết định tự tiến hành ca mổ cắt ruột thừa cho chính mình, sử dụng đèn, gương và duy nhất một mũi tiêm gây tê.

BS Rogozov và 11 người khác có nhiệm vụ xây dựng một trạm thám hiểm ở Nam Cực, đặt tại Schirmacher Oasis, và đang chờ mùa đông qua đi để có thể trở về nhà.

Nhưng vào ngày 29/4/1961, anh viết trong nhật ký: “Hình như tôi đã bị viêm ruột thừa. Nhưng tôi vẫn cố mỉm cười và giữ im lặng về chuyện này. Sao lại phải làm các bạn mình hoảng sợ chứ? Ai có thể giúp được đây?”

Tuy nhiên, bệnh tình của anh trở nặng rất nhanh sau đó, anh bị yếu, buồn nôn và thấy đau dữ dội ở phần bụng trên.

Anh biết rằng để sống sót thì ca mổ cần phải được tiến hành, nếu không ruột thừa sẽ vỡ và đó sẽ là cái chết chắc chắn.

Nhưng máy bay không thể hoạt động được do những cơn bão tuyết, còn anh không thể sống được để chờ chuyến tàu trở về Nga.

Đồng thời còn một vấn đề khác nữa: Rogozov là bác sĩ duy nhất của trạm mới được xây dựng.

Do đó bác sĩ Rogozov đã phải làm điều mà nhiều người – kể cả các bác sĩ ngoại khoa không thể nghĩ đến – tự mổ cho chính mình.

Ca mổ của anh được cho là trường hợp thành công đầu tiên trong đó một người tự phẫu thuật cho mình ở ngoài bệnh viện, không có các nhân viên y tế khác và không thể có sự trợ giúp từ bên ngoài.

Một ngày sau, ngày 30/4, các triệu chứng trở nên không thể chịu đựng được và anh biết mình phải hành động.

Nhiệt độ tăng cao, anh bị nôn liên tục và cái đau thì khủng khiếp hơn bao giờ hết.

Và mặc dù yếu đến mức thậm chí không giơ tay lên được, anh vẫn lên kế hoạch chi tiết cho ca mổ sắp được tiến hành.

Dưới sự hướng dẫn của Rogozov, đoàn thám hiểm đã thu xếp một phòng mổ tạm thời, và chuyển mọi thứ ra khỏi phòng người bệnh, chỉ để lại giường, hai chiếc bàn và đèn.

Rogozov phân công người giúp đưa dụng cụ, chỉnh đèn và giữ gương để anh biết mình đang làm gì.

Một người khác được phân công hỗ trợ phòng trường hợp người phụ bị buồn nôn.

Anh hướng dẫn nhóm cách tiêm thuốc đã chuẩn bị sẵn và cách hô hấp nhân tạo trong trường hợp mình bị bất tỉnh.

Sau đó, anh cho cả nhóm rửa tay, sát trùng tay và hướng dẫn họ mang găng mổ.

Đúng 2 giờ sáng, Rogozov tiêm thuốc gây tê và thành bụng, cách giảm đau duy nhất anh có thể sử dụng trong suốt ca mổ. 15 phút sau, anh tự rạch một đường 10 - 12cm trên thành bụng và ca mổ bắt đầu.

Theo tờ BMJ mô tả, bác sĩ Rogozov vẫn bình tĩnh, nhưng mồ hôi chảy thành giọt trên mặt và anh liên tục yêu cầu những người bạn của mình – đang đờ đẫn và gần như chết ngất - lau giúp.

Bị kẹt ở Nam Cực, bác sĩ tự mổ ruột thừa cho mình
BS Rogozov trở về Nga một năm sau đó. Khi được hỏi về việc tự mổ cho mình, anh chỉ nói “đó là một việc như mọi việc khác”

Tuy đôi khi phải dùng đến gương, nhưng anh chủ yếu làm theo cảm giác, nhưng sau 40 phút anh bắt đầu cảm thấy rất yếu, chân tay run rẩy và thỉnh thoảng phải dừng để nghỉ.

Có những lúc, ruột thừa của anh kêu “ùng ục”, một âm thanh mà các bạn của Rogozov kể rằng “cực kỳ khó chịu” và “khiến họ muốn bỏ cuộc”.

“Khi tôi tự tiêm cho mình mũi đầu tiên, tôi hầu như đã tự động chuyển sang chế độ phẫu thuật, và từ lúc đó tôi không còn để ý gì xung quanh nữa”, Leonid Rogozov viết

Nhưng ca mổ vẫn diễn ra, và tuy cực kỳ nhợt nhạt và mệt mỏi, cuối cùng anh đã cắt được đoạn ruột thừa bị sưng và tự khâu lại ổ bụng.

Không quên các qui tắc vệ sinh, anh còn hướng dẫn cho mọi người cách rửa và cất dụng cụ, và chỉ chịu uống mấy viên thuốc ngủ khi mọi việc đã hoàn tất.

Sau 4 ngày dùng kháng sinh, tình trạng của người bác sĩ trẻ đã khá trở lại, đến ngày thứ 5, nhiệt độ của anh trở về bình thường. Một tuần sau đó, anh đã tự cắt chỉ cho mình.

Điều khiến mọi người kinh ngạc là chỉ trong vòng 2 tuần, anh đã có thể quay trở lại công việc bình thường ở trạm.

Hơn một năm sau, đoàn thám hiểm lên đường trở về từ Nam Cực. Họ cập cảng Leningrad ngày 29/5/1962.

BS Rogozov quay lại làm việc ở bệnh viện vào ngày hôm sau, và anh đã tiếp tục công tác và giảng dạy tại Khoa ngoại tổng hợp, Viện Y học số 1 Leningrad trong suốt quãng đời còn lại.

Nhưng thay vì khoe chiến công của mình, BS Rogozov đã từ chối mọi sự tuyên dương về những gì đã xảy ra ở Nam Cực.

Khi được hỏi, ông chỉ trả lời: “Một công việc như mọi công việc khác, một cuộc sống như mọi cuộc sống khác.”

Nhật ký của bác sĩ Rogozov

“Tôi không được nghĩ về chuyện gì khác ngoài việc đang làm.

“Tôi phải thật vững vàng và nghiến chặt răng lại.

“Mấy phụ mổ tội nghiệp của tôi! Phút cuối cùng nhìn họ, tôi thấy họ đứng đó trong bộ đồ mổ màu trắng, và họ còn trắng bệch hơn cả mấy bộ đồ đó.

“Tôi cũng rất sợ. Nhưng khi cầm chiếc bơm tiêm novocaine lên và tự tiêm cho mình mũi đầu tiên, thì dường như tôi đã tự động chuyển sang chế độ phẩu thuật và kể từ lúc đó tôi không còn để ý đến bất kỳ điều gì xung quanh nữa.

“Máu chảy khá nhiều, nhưng tôi đang tranh thủ thời gian – chắc chắn là tôi sẽ cố làm được.

“Mở phúc mạc. Một đoạn ruột bị thương và phải khâu nó lại.

“Đột nhiên tôi thoáng nghĩ: nhỡ đâu còn nhiều vết thương ở đó mà tôi không nhìn thấy …

“Tôi thấy người ngày càng yếu hơn, đầu óc bắt đầu quay cuồng

“Cứ 4-5 phút tôi lại phải nghỉ 20-25 giây.

Cuối cùng, nó đây rồi, cái ruột thừa chết tiệt!

Tôi hoảng hồn khi thấy vết đen ở gốc ruột thừa. Có nghĩa là nếu chỉ để thêm một ngày nữa thôi, nó sẽ vỡ và …

“Vào thời khắc tồi tệ nhất của ca mổ, tôi vẫn thấy trái tim đập chậm và đều đặn, và đôi tay vẫn rất dẻo dai.

“Tốt rồi, tôi nghĩ, chuyện tồi tệ nhất đã qua. Và tất cả những gì còn lại là lấy ruột thừa ra.

“Và sau đó tôi biết rằng về cơ bản mình đã sống”.

Cẩm Tú

Theo Daily Mail