Bị hẹp, tắc động mạch vành: Phẫu thuật hay đặt stent?

(Dân trí) - Khi bị bệnh hẹp tắc động mạch vành, gia đình người bệnh thường tuân theo chỉ định của bác sĩ tại nơi bệnh nhân được cấp cứu. Tuy nhiên, người bệnh cần được thông tin và tư vấn đầy đủ với nhiều bác sĩ chuyên khoa khác nhau trước khi đi đến quyết định điều trị cuối cùng.

Trong điều trị hẹp tác động mạch vành, phương pháp điều trị chính thường là phẫu thuật động mạch vành và đặt stent động mạch vành (can thiệp động mạch vành qua da), trong đó đặt stent động mạch vành thường được các bác sĩ “ưa chuộng” hơn cả. Nhưng thực tế cho thấy không có một phương pháp điều trị nào hiệu quả cho mọi bệnh nhân hẹp tắc động mạch vành.

Bị hẹp, tắc động mạch vành: Phẫu thuật hay đặt stent?

Theo Giáo sư Bác sĩ Taggat đến từ bệnh viện trường đại học Oxford : “Với những bệnh nhân có thương tổn mạch vành phức tạp như bị thương tổn cả 3 thân động mạch vành, thân chung, chức năng tim bị ảnh hưởng nhiều thì phẫu thuật chứ không phải là can thiệp động mạch vành qua da và đặt stent mới là phương pháp điều trị cho kết quả lâu dài tốt nhất”.

Giáo sư Taggat cũng chỉ trích xu hướng điều trị đặt stent cho tất cả các bệnh nhân bị hẹp tắc động mạch vành mà không cho bệnh nhân được biết khả năng và thông tin về phẫu thuật động mạch vành.

Có nhiều nghiên cứu không cho thấy sự khác biệt giữa phẫu thuật và điều trị can thiệp động mạch vành qua da. Kết quả này là do cách lựa chọn bệnh nhân vào nhóm nghiên cứu là các bệnh nhân có thương tổn động mạch vành ít phức tạp, ít nguy cơ.

Theo giáo sư Taggat thì với nhóm bệnh nhân này thì lựa chọn phương pháp điều trị như thế nào cũng không có sự khác biệt. Ưu thế của phẫu thuật nằm ở nhóm bệnh nhân có thương tổn động mạch vành nặng.

Vấn đề này phần nào cũng cũng là trách nhiệm của những bác sĩ quyết định, hoặc hướng bệnh nhân đến quyết định điều trị. Giáo sư Taggat nói: “Một bệnh nhân bị bệnh khi tiếp xúc với bác sĩ mà không được thông báo, tư vấn về phẫu thuật động mạch vành thì bệnh nhân đó có thể đã bị mất đi cơ hội có được phương pháp điều trị tốt nhất.

Bác sĩ khi tư vấn cần cho người bệnh biết mọi phương pháp điều trị và phương pháp nào là phương pháp hiệu quả nhất, thích hợp nhất. Tất cả các bệnh nhân bị thương tổn nhiều động mạch vành cần được điều trị bởi một tập thể các bác sĩ trong đó không thể thiếu được bác sĩ phẫu thuật tim mạch”.

Giáo sư Taggat cũng cho rằng phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là một phương pháp an toàn và hiệu quả, có kết quả lâu dài tốt.

Nhiều nghiên cứu cũng làm sáng tỏ những ưu việt của phẫu thuật so với can thiệp động mạch vành qua da trong một số trường hợp nhất định. Ví dụ như trong nghiên cứu năm 2005 đăng tải trên tạp chí New England Journal of Medicine kết luận rằng khi bệnh nhân bị thương tổn từ 2 động mạch vành trở lên phẫu thuật sẽ có kết quả lâu dài tốt hơn can thiệp đặt stent. Với những bệnh nhân bị thương tổn cả 3 động mạch vành nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân đặt stent cao hơn 56% so với phẫu thuật tính ở thời điểm 3 năm sau phẫu thuật hoạc can thiệp. Nghiên cứu này cũng được tái đăng tải một tờ báo của Wall Street và cho biết 1/3 những bệnh nhân sau khi được đặt stent có khoảng sau 3 năm sẽ phải phẫu thuật hoạc đặt thêm stent.

Như vậy, trước khi quyết định chọn phương pháp điều trị nào, điều quan trọng là người bệnh cần được thông tin và tư vấn đầy đủ với nhiều bác sĩ chuyên khoa khác nhau trước khi đi đến quyết định điều trị cuối cùng. Và để có thể tư vấn đầy đủ và chính xác cho bệnh nhân, những bác sĩ khám bệnh đầu tiên cần đánh giá chính xác mức độ nặng các thương tổn mạch vành.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hà

Trưởng khoa phẫu thuật tim mạch lồng ngực

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Bài lược dịch từ trang web của Hội phẫu thuật tim mạch lồng ngực Hoa Kỳ