Bị dây rốn thắt nút hiếm gặp, 1 thai nhi suýt tử vong

(Dân trí) - Trong quá trình chuyển dạ, nhận thấy tim thai bất thường, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cấp cứu, tìm ra "thủ phạm" là dây rốn thắt nút hiếm gặp. Nếu không phát hiện, can thiệp kịp thời, nguy cơ tử vong thai nhi tăng gấp 4 lần nếu chuyển dạ kéo dài.

Trước đó, chiều 23/10, sản phụ Hồ Thị Dịu H.  (26 tuổi, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nhập viện tại Khoa Phụ sản - Cơ sở 2 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng thai 40 tuần 3 ngày/thiểu ối/thai kém phát triển/vảy nến toàn thân.

Cân cân nặng thai nhi ước tính 2,1 kg. Trong quá trình theo dõi chuyển dạ các bác sĩ phát hiện nhịp tim thai bất thường nên đã chỉ định phẫu thuật cấp cứu tối ngày 24/10. Ghi nhận trong quá trình phẫu thuật, dây rốn bé bị thắt nút, cản trở tuần hoàn thai nhi. Đây là một trường hợp hiếm gặp trong sản khoa nhưng tỷ lệ tử vong thai nhi cao nếu không được can thiệp kịp thời.

Với nhiều cố gắng, cuộc phẫu thuật thành công, một bé gái cân nặng 2,1 kg hồng hào, khóc to đã được chào đời khoẻ mạnh.

Bị dây rốn thắt nút hiếm gặp, 1 thai nhi suýt tử vong - 1

Ca phẫu thuật thai nhi dây rốn thắt nút hiếm gặp

BS CKII Bùi Phim, Trưởng Khoa sản, Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 cho biết: dây rốn trung bình dài từ 40-60cm và có đường kính 1,5-2cm, có vai trò vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng từ nhau thai tới bào thai. Việc dây rốn bị thắt nút là một trong những trường hợp hiếm gặp trong quá trình mang thai, với tỉ lệ khoảng 0,3-2%/trường hợp.

Dây rốn thắt nút sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt quá trình chuyển dạ càng kéo dài thì nguy cơ tử vong của bé càng cao (gấp 4 lần bình thường) nếu không được xử lý kịp thời. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến sự hình thành của dây rốn thắt nút bao gồm: mẹ lớn tuổi, thai giới tính nam, thai nhỏ, thai hoạt động nhiều, dây rốn dài, nước ối nhiều, đa thai...

Bị dây rốn thắt nút hiếm gặp, 1 thai nhi suýt tử vong - 2

Sản phụ H. vui mừng và cảm ơn đến các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế vì đã cứu sống con gái bé bỏng 

Việc chẩn đoán dây rốn thắt nút dựa vào siêu âm thai là chủ yếu, phát hiện thường vào tuần thứ 9-12 của thai kỳ. Theo dõi chuyển dạ ở thai nhi có dây rốn thắt nút cần được theo dõi nghiêm ngặt bằng monitoring tim thai để phát hiện sớm dấu hiệu thai suy và mổ lấy thai kịp thời. Trường hợp dây rốn thắt nút lỏng vẫn có thể sinh thường nhưng không chắc chắn trẻ có tử vong hay không.

Hiện nay, không có biện pháp phòng ngừa dây rốn thắt nút, các bà mẹ mang thai nên khám thai định kỳ; siêu âm thai theo chỉ định của bác sĩ; nên quan tâm đến các chương trình tầm soát trước sinh và siêu âm đánh giá tình trạng dây rốn trong suốt thời kỳ mang thai ở cơ sở y tế tin cậy mới giúp phát hiện sớm và ngăn ngừa biến chứng trước, trong và sau sinh.

Hiện mẹ con sản phụ H. sức khoẻ tốt, ổn định, dự kiến sáng ngày 30/10 mẹ con sản phụ H. sẽ được cho xuất viện.

Đại Dương