Bệnh viện phải đạt chất lượng mới được ký hợp đồng BHYT

(Dân trí) - Giá dịch vụ y tế tính đúng tính đủ, bệnh viện công không được nhà nước bao cấp, chi phí hoạt động phụ thuộc vào bảo hiểm y tế và người bệnh không có bảo hiểm chi trả. Để được ký hợp đồng bảo hiểm và thu hút bệnh nhân, bệnh viện phải nâng cao chất lượng.

Giá dịch vụ phải song hành với chất lượng khám chữa bệnh

Đó là một trong những vấn đề then chốt được đại diện Bộ Y tế cho biết trong “Hội nghị tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế năm 2015” tổ chức tại TPHCM (ngày 10/11).

 

Người bệnh tham gia Bảo hiểm y tế sẽ được hưởng lợi rất lớn từ việc điều chỉnh giá dịch vụ 
Người bệnh tham gia Bảo hiểm y tế sẽ được hưởng lợi rất lớn từ việc điều chỉnh giá dịch vụ 

Theo phân tích của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế): Chất lượng khám chữa bệnh là một trụ cột của hệ thống y tế trên cơ sở tổng hòa các yếu tố từ đầu vào, quy trình và đầu ra. Người dân khi bị bệnh đến các bệnh viện, cơ sở y tế đều có chung hai câu hỏi chính, một là: “Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh có tốt không?”; hai là: “Giá dịch vụ khám, chữa bệnh có cao không?”

Giá cả và chất lượng có mối liên quan mật thiết, người dân có thể sẵn lòng bỏ ra nhiều tiền hơn để chi trả cho dịch vụ có chất lượng tốt hơn. Mối quan hệ giữa giá cả và chất lượng được thể hiện bằng sự quan tâm chung “chất lượng có xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không?” Nếu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh sẽ nâng cao niềm tin vào hệ thống y tế của người dân, từ đó người dân sẽ mua dịch vụ nhiều hơn, mua bảo hiểm y tế nhiều hơn. Tuy nhiên nếu ngành y tế cung cấp dịch vụ có chất lượng mà không được chi trả xứng đáng với công sức, trí tuệ thì chắc chắn chất lượng khám chữa bệnh sẽ không thể nâng lên mức cao hơn.

Từ trước đến nay, các bệnh viện đang được nhà nước bao cấp một phần giá dịch vụ y tế. Bên cạnh mặt ưu việt, cơ chế bao cấp cũng bộc lộ yếu điểm khi không tạo ra tính cạnh tranh của thị trường, gây nên sự “ù lì” thụ động, triệt tiêu nỗ lực cải tiến nâng cao chất lượng chuyên môn và trang thiết bị tại các bệnh viện. Để giải quyết vấn đề trên, ngày 14/2/2015, Chính Phủ đã ban hành nghị định (số: 16/2005 NĐ-CP) quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp.

Theo đó, sang năm 2016, ngành y tế sẽ tính đúng chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định) trong giá dịch vụ khám chữa bệnh; năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Bệnh viện công và tư sẽ cạnh tranh công bằng

Việc điều chỉnh theo hướng tăng giá dịch vụ y tế chẳng những đòi hỏi các bệnh viện phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân mà còn buộc các bệnh viện thực hiện chính sách tự chủ tài chính trong mọi hoạt động. Khi giá dịch vụ khám chữa bệnh không còn được bao cấp thì giá dịch vụ của bệnh viện công, bệnh viện tư và các hoạt động xã hội hóa sẽ tương đương, không tạo ra mặt bằng 2 giá công – tư như hiện nay. Đây được đánh giá là nền tảng tạo sự cạnh tranh công bằng giữa y tế công lập và tư nhân, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn khi đi khám chữa bệnh.

 

Bộ Y tế đang nỗ lực hướng tới sự hài lòng của người bệnh bằng chính chất lượng dịch vụ
Bộ Y tế đang nỗ lực hướng tới sự hài lòng của người bệnh bằng chính chất lượng dịch vụ

Theo phân tích của ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) thì việc tính đủ chi phí trực tiếp, tiền lương trong giá dịch vụ y tế là một đòi hỏi thực tế, khách quan. Đây không phải là tăng chi phí để thực hiện dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Việc điều chỉnh giá chẳng những không tác động đến người tham gia bảo hiểm mà còn mang lại nhiều quyền lợi hơn cho họ bởi chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng, danh mục được bảo hiểm y tế chi trả sẽ mở rộng hơn.

Hiện nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người dân trên cả nước đã đạt hơn 73%. Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 80% người dân sẽ tham gia bảo hiểm, tiến tới hoàn tất lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh phải tương đương với khung giá dịch vụ mới, ngày 14/10/2015 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký quyết định ban hành chương trình hành động Quốc gia về nâng cao chất lượng quản lý khám bệnh, chữa bệnh từ nay đến năm 2025.

Theo đó, các bệnh viện trên cả nước sẽ phải hoàn thiện cơ bản khung pháp lý, chính sách hệ thống tổ chức; xây dựng chuẩn chất lượng, công cụ đánh giá đo lường dịch vụ khám chữa bệnh; áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng và triển khai chương trình can thiệp nâng cao năng lực quản lý khám chữa bệnh; xây dựng văn hóa ứng xử, xem người bệnh là trọng tâm. Bộ Y tế đề ra mục tiêu thiết lập các chương trình can thiệp cải tiến chất lượng cấp Quốc gia trong một số lĩnh vực dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: chăm sóc người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, an toàn phẫu thuật, hệ thống báo cáo sự cố, sai sót y khoa tự nguyện vào năm 2020.

Những bệnh viện thực hiện tốt chương trình sẽ được cấp chứng nhận, xem là tiêu chí để đánh giá chất lượng đơn vị. Bảo hiểm Xã hội sẽ căn cứ trên nặng lực thực tế của bệnh viện để đưa ra quyết định ký hay không ký kết hợp đồng bảo hiểm y tế. Do đó, bệnh viện muốn tồn tại và phát triển phải tự nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nếu không người bệnh sẽ không đến khám chữa bệnh hoặc cơ quan bảo hiểm y tế không ký hợp đồng. Khi đó bệnh viện sẽ không có bệnh nhân, không có nguồn kinh phí để hoạt động.

Vân Sơn