Bệnh viện đầu tiên không in phim chiếu chụp của bệnh nhân

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho biết tại bệnh viện, toàn bộ phim chiếu chụp cho bệnh nhân từ phim Xquang, chụp cộng hưởng từ, chụp CT-Scanner và chụp mạch số hóa nền đều không in, thay vào đó là lưu trữ bằng hệ thống công nghệ thông tin.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô là đơn vị đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế lựa chọn triển khai mô hình bệnh viện không phim thuộc Đề án thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS).

Theo đó, toàn bộ phim chiếu chụp cho bệnh nhân từ phim Xquang, chụp cộng hưởng từ, chụp CT-Scanner và chụp mạch số hóa nền đều không in, thay vào đó là lưu trữ bằng hệ thống công nghệ thông tin.

Bệnh viện đầu tiên không in phim chiếu chụp của bệnh nhân - 1

Những phim Xquang như thế này sẽ được lưu trữ trên hệ thống công nghệ thông tin, bác sĩ có thể xem mọi lúc khi kết nối với máy tính.

PGS Nguyễn Thanh Hà cho biết, việc không in phim chiếu chụp không ảnh hưởng gì đến việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân.

Trước đây, việc thực hiện quản lý và lưu trữ các hồ sơ song song dưới dạng văn bản giấy và phim. Các dữ liệu chẩn đoán hình ảnh được lưu trữ rời rạc, tách rời giữa phim và biên bản ghi nhận kết quả chẩn đoán, không đồng bộ nên dễ nhầm lẫn, thất lạc.

Mặt khác, phim bệnh nhân lưu trữ với mục đích sử dụng để tham khảo cho lần khám chữa bệnh sau cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn, thường các phim trong điều kiện không được bảo quản đúng tiêu chuẩn, chỉ tồn tại trong thời gian tương đối ngắn và thường bị trầy xước không thể đọc chính xác.

Hiện nay, bệnh viện sử dụng công nghệ số nên toàn bộ hình ảnh chiếu chụp của bệnh nhân sẽ được lưu kết quả ngay trên máy tính và nhanh chóng gửi lên hệ thống trực tuyến của các khoa, phòng để bác sĩ có chẩn đoán sớm, phục vụ cho công tác điều trị. Quá trình lưu trữ tiện lợi hơn do tất cả đều được lưu ở trong máy, khi cần là sử dụng được ngay, có thể gửi sang nước ngoài trong vài giây để hội chẩn với chuyên gia. Với nhiều bệnh, các bác sĩ có thể so sánh được kết quả trước và sau rất nhanh.PGS Hà cho rằng việc không in phim vẫn đảm bảo chất lượng chẩn đoán, điều trị, vừa không sử dụng hoá chất in phim góp phần làm giảm tác động đến môi trường.

Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô cũng thông tin thêm, hiện bệnh viện cũng đang thực hiện cam kết giảm thải chất thải nhựa. Ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt.

Thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn. Việc đốt rác theo cách thủ công đang ngày ngày “bức tử” sự sống của con người. Bởi theo các chuyên gia, rác thải này khi cháy sẽ thải ra cả chất độc như dioxin.

Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất… 

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, chỉ nguyên lượng nilon bao gói, túi đựng bằng nhựa đã có đên hơn 700kg cùng khoảng gần 2 tấn rác thải nhựa dùng một lần từ túi nilon, hộp xốp, vật dụng phục vụ làm việc, ăn uống, sinh hoạt.

Vì thế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chỉ thị 08 về giảm thiểu chất thải nhựa của Bộ trưởng Y tế,  Bệnh viện Hữu Nghị đặt mục tiêu và lộ trình cụ thể, tiến tới năm 2025 bệnh viện giảm trên 80% lượng lượng rác thải nhựa dùng một lần.

Theo đó, sẽ thực hiện ngay việc giảm và loại bỏ túi đựng nilon như túi rác, túi đựng thuốc, túi đựng hoa quả thức ăn. Nhà ăn bệnh viện không sử dụng hộp xốp, khay nhựa, thìa nhựa, cốc nhựa dùng một lần, thay thế vào đó là khay inox, cốc inox, thìa inox, lọ thủy tinh hoặc tối thiểu cũng là chất liệu nhựa sử dụng nhiều lần.

Hạn chế và thay thế dép nhựa bằng dép da, dép cao su. Một việc thiết thực khác là thu gom túi nhựa, chai nhựa sinh hoạt để chuyển đi tái chế, vừa có lợi ích kinh tế, vừa giảm thải rác nhựa ra môi trường...

Tú Anh