Bệnh nhi ói cả lít máu mỗi ngày do tổn thương động mạch hiếm gặp

(Dân trí) - Sau nhiều lần ói ra cả lít máu bất tỉnh, bệnh nhân được phát hiện mắc tổn thương giả phình động mạch khứu cực hiếm gặp. Các bác sĩ đã tiến hành nút tắc bằng coils giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ liệt nửa người, mù mắt, tử vong.

Thông tin từ PGS.TS Trần Minh Trường, Phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy ngày 24/2 cho biết, tại đây vừa can thiệp thành công cho một trường hợp bị tổn thương cực kỳ hiếm gặp lần đầu tiên ghi nhận. Bệnh nhân là Nguyễn Trọng Phúc (13 tuổi, ngụ tại Tân Uyên, Bình Dương).

20160219-145244-1456293420168

Bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, trong tình trạng liên tục ói ra máu

Theo thông tin từ gia đình bệnh nhi, hơn 1 tháng trước, bệnh nhi gặp tai nạn giao thông, đã được chuyển đến bệnh viện Đa khoa Bình Dương. Sau gần nửa tháng nằm viện điều trị với chẩn đoán chấn thương sọ não, bệnh nhân bình phục và được xuất viện về nhà.

Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, máu xuất huyết ồ ạt qua mũi, miệng bệnh nhân. “Nó ói máu lênh láng ra nền nhà, cơ thể tím tái, lạnh ngắt. Mọi người nghĩ thằng bé khó qua khỏi, nhưng còn nước còn tát, gia đình vẫn quấn vội chiếc mền rồi chuyển đến bệnh viện.”, người nhà bệnh nhân cho biết.

Nhờ được cấp cứu, điều trị tích cực bằng truyền máu, truyền dịch, Trọng Phúc mới dần bình phục. Bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, Phúc bị rò động mạch cảnh xoang hang nên được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, bệnh nhân nhập khoa Ngoại thần kinh được chẩn đoán và theo dõi rò động mạch cảnh xoang hang.

Do bị tổn thương vùng trán, và tổn thương mạch máu nên bệnh nhân được chỉ định chụp DSA. Bác sĩ đã tiến hành tắc mạch để điều trị rò động mạch cảnh xoang hang nhưng tình trạng xuất huyết ồ ạt vẫn tái đi tái lại, nội soi đường tiêu hóa không phát hiện tổn thương. Bệnh viện tiến hành chụp mạch máu xóa nền lần thứ hai, và phát hiện bệnh nhân bị một khối giả phình động mạch vùng mũi phải xuất phát từ nhánh thuộc động mạch não trước nghi dị dạng hiếm gặp nhánh động mạch hành khứu nguyên phát còn sót.

Đây là dị dạng bẩm sinh rất hiếm gặp với tỷ lệ chỉ 0,11%/1.000 bệnh nhân. Thông thường ở người khác, mạch máu trên chỉ xuất hiện ở những tuần đầu thai kỳ, đến tuần thứ 6 hoặc thứ 7 sẽ tự tiêu đi, nhưng ở bệnh nhân này mạch máu trên vẫn còn tồn tại.

Sau một tuần được can thiệp, sức khỏe bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục
Sau một tuần được can thiệp, sức khỏe bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục

Tình trạng tổn thương trên có thể khiến bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ xuất huyết đến chết, hoặc yếu liệt nửa người, mù mắt, tử vong.

Sau hội chẩn liên chuyên khoa, bệnh viện Chợ Rẫy quyết định tiến hành nút tắc bằng coils thông qua kỹ thuật can thiệp nội mạch. Sau khi tắc mạch, tình trạng chảy máu đã được ngăn chặn hoàn toàn, gần một tuần được can thiệp, bệnh nhân đã khỏe mạnh, sắp được xuất viện.

Qua trường hợp trên, PGS Trường cho hay, chảy máu mũi là tai nạn thường gặp, xét về y phổ thông là bình thường. Nhưng chảy máu do chấn thương là tình huống rất nguy hiểm. Trong quá khứ, tại bệnh viện Chợ Rẫy nhiều bệnh nhân ộc máu, tử vong chỉ trong vài phút ngay trước mặt bác sĩ đã xảy ra. Nhờ chụp mạch máu xóa nền và kỹ thuật can thiệp nội mạch, bác sĩ đã kịp thời phát hiện tình trạng tổn thương mạch máu và can thiệp đúng, xử lý sớm giúp bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch.

Từ ca bệnh này, BS Trường khuyến cáo các nhà chuyên môn, nếu thấy bệnh nhân gặp chấn thương gây chảy máu đến lần thứ hai, thì bắt buộc phải chỉ định chụp mạch máu xóa nền. Hệ mạch máu đã phức tại, vị trí tổn thương để tìm được càng trở nên rất khó khăn, cần phải ứng dụng kỹ thuật cao để can thiệp kịp thời cho người bệnh.

Vân Sơn