Bệnh nhi bị ổ mủ màng ngoài tim vì nhiễm khuẩn tụ cầu vàng

(Dân trí) - Sau nhiều ngày sốt cao liên tục, điều trị không thuyên giảm, bệnh nhi được bác sĩ xác định nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. Tình trạng nhiễm trùng đã tạo ổ mủ màng ngoài tim, bỏng da suýt cướp đi sinh mạng của trẻ.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cho hay, tại đây vừa tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng sau tai nạn. Bệnh nhi là cháu Nguyễn Hùng K. (11 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu) được bệnh viện địa phương chuyển cấp cứu sau khi điều trị sốt cao 3 ngày nhưng không thuyên giảm.

Khi đến Nhi Đồng Thành Phố, bệnh nhân trong tình trạng sốt cao liên tục, lừ đừ, khó thở, sưng nóng đỏ đau chân trái. Bé có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết nặng, thăm khám và siêu âm ghi nhận tràn dịch màng tim và tràn mủ khớp gối nhiễm trùng, bé ngày càng suy hô hấp, khó thở phải thở máy.

Ngoài ổ mủ màng ngoài tim, khớp gối bệnh nhi còn bị bỏng da nặng do nhiễm tụ cầu vàng
Ngoài ổ mủ màng ngoài tim, khớp gối bệnh nhi còn bị bỏng da nặng do nhiễm tụ cầu vàng

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình được biết, trước khi nhập viện 5 ngày cháu K. té xe đạp bị chấn thương đầu gối, kèm xây xát da cẳng chân trái. Ngoài tình trạng sốt cao, chân bệnh nhi dần sưng lớn, đi lại khó khăn, không duỗi được.

Qua thăm khám, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng vào máu qua các vết xước (vừa liền da) trên cơ thể. Song song với việc cấy máu truy tìm bệnh, bác sĩ quyết định dùng kháng sinh cho bệnh nhân.

Kết quả cấy máu, mủ khớp gối xác định, bệnh nhi dương tính với vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus Aureus). Ngay sau đó, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi lồng hút mủ màng ngoài tim, đặt ống dẫn lưu. Thủ thuật tháo mủ dẫn lưu và bơm rửa liên tục cũng được thực hiện ở khớp gối trái.

Các bác sĩ đã phải kết hợp các kháng sinh điều trị tích cực. Sau 2 tuần được theo dõi sát, bệnh nhi dần qua được nguy kịch, hiện cháu đã cai máy thở, mủ ở màng ngoài tim, khớp gối đã được xử lý triệt để.

Bác sĩ cho biết, tụ cầu vàng thường gây ra các tổn thương ngoài da như chốc lở, viêm nang lông, các loại mụn nhọt, lở loét da, có thể tạo thành các ổ áp-xe nằm ngay dưới da gây đau đớn, sốt, sưng nề xung huyết.

Những bệnh do tụ cầu gây nên ở da có thể là do môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh nhưng cũng có thể là do nội sinh (vi khuẩn tụ cầu có ngay trên cơ thể, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ gây bệnh).

Bác sĩ khuyến cáo, tụ cầu khuẩn là một trong những vi khuẩn có tính kháng kháng sinh rất cao, chúng có thể tấn công cả người lớn và trẻ em. Người không may mắc bệnh, việc dùng thuốc cần được tuân theo chỉ định của thầy thuốc, không tự ý dùng thuốc để tránh nguy cơ kháng kháng sinh.

Để phòng bệnh, cộng đồng cần vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng cách tắm, rửa hàng ngày với nước sạch, mỗi khi ra đường nên đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi bẩn. Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giữ gìn sạch sẽ những vết trầy xước trên da.

Li Uyên