Bệnh nhân tử vong 2 năm vẫn đều đặn có đơn thuốc

Dẫn chứng về tình trạng người dân chưa mặn mà với y tế tuyến xã, ông Lê Văn Phúc, phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết như trên.

Sáng 6-7, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến Nâng cao chất lượng khám , chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến y tế cơ sở (YTCS). Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết mặc dù hệ thống YTCS đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, tuy nhiên người dân vẫn chưa hứng thú và đặt sự tin tưởng vào đó.

Tập trung đổi mới cơ chế chi trả KCB BHYT

Theo bộ trưởng Bộ Y tế, với việc coi YTCS là người gác cổng trong hệ thống y tế, các nước trên thế giới đã sử dụng các nguồn tài chính khác nhau, trong đó có nguồn tài chính từ BHYT cho chăm sóc sức khỏe ban đầu tại YTCS. Ví dụ, tỉ trọng chi từ quỹ BHYT trong tổng chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Hàn Quốc lên tới 51%, Nhật Bản là 76%, Đức là 78%.

“Vai trò của YTCS đã được cộng đồng quốc tế và các nước trên thế giới công nhận và Việt Nam cũng thế” - bà Tiến nói.

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến khó khăn hiện nay của YTCS, người đứng đầu ngành y tế cho rằng khó khăn, hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng. Nguồn kinh phí từ quỹ BHYT cho trạm y tế tuyến xã chưa đảm bảo… Tất cả đã chi phối sự tin tưởng của người dân đến YTCS.

Đưa ra giải pháp để tăng cường KCB BHYT tại tuyến YTCS, khắc phục những bất cập hiện nay trong KCB BHYT, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nên tập trung đổi mới cơ chế chi trả KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã, không quy định tỉ lệ quỹ BHYT được sử dụng tại trạm y tế xã như quy định hiện nay. Đồng thời, triển khai thực hiện phương thức thanh toán theo định suất tại tuyến YTCS để đảm bảo tăng cường hiệu quả sử dụng quỹ BHYT.

Người dân khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã. Ảnh: HP
Người dân khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã. Ảnh: HP

“Chết hai năm vẫn nhận thuốc đều đặn”

Cũng tại hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Thị Minh nhìn nhận chất lượng KCB tuyến YTCS chưa đáp ứng được yêu cầu. “Nếu như năm 2014, tỉ lệ người dân KCB tại tuyến xã là gần 30% thì năm 2017 chỉ còn gần 20% và sáu tháng đầu năm nay chỉ còn 18%. Có gần 10.000 trạm y tế tuyến xã nhưng người dân thờ ơ với y tế tuyến xã vì chưa tin tưởng nhân viên y tế tuyến xã” - bà Minh nói.

Dẫn chứng thêm về tình trạng người dân còn chưa mặn mà với y tế tuyến xã, ông Lê Văn Phúc, phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết năng lực trạm y tế xã hiện nay rất khác nhau, có nơi tới hai bác sĩ “cắm chốt” nhưng có nơi không có bác sĩ nào. “Đáng nói là tình trạng khám, kê đơn, cấp thuốc tại nhiều trạm y tế xã còn bất cập. Một số trạm y tế thiết bị cũ, hỏng nhiều và thiếu các thiết bị y tế phục vụ KCB ban đầu. Thậm chí qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện có bệnh nhân đã tử vong hai năm vẫn đều đặn có đơn thuốc” - ông Phúc nhấn mạnh.

Cần cơ chế tài chính linh hoạt

Đối với các trạm y tế xã có nguồn nhân lực tốt, người bệnh đến khám đông hoặc thực hiện quản lý bệnh mạn tính (như tiểu đường, tăng huyết áp) thì nguồn kinh phí này khó đáp ứng được. Chính vì vậy cần có cơ chế tài chính phù hợp với từng trạm y tế xã theo năng lực cung cấp dịch vụ y tế, số lượng người bệnh BHYT đến KCB.

Ông LÊ VĂN PHÚC, phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Phải điều trị tốt các bệnh đã được chẩn đoán ở tuyến trên

Chú trọng thực hiện nghiêm, đầy đủ quy định tại Thông tư 39 ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã. Tăng cường quản lý, điều trị các bệnh mạn tính tại trạm y tế xã, nhất là các trường hợp đã được chẩn đoán ở tuyến trên và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị.

Bộ trưởng Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN