TPHCM:

Bệnh nhân tâm thần nhập viện 1 tháng bằng cả năm

(Dân trí) - Từ sau Tết đến nay, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Tâm thần (BVTT) tiếp nhận trên dưới 400 lượt người tới khám và điều trị. Vậy là chỉ tính trong 1 tháng, số bệnh nhân mắc các chứng bệnh về tâm thần nhập viện đã bằng 1 năm của thập kỷ trước.

Bệnh nhân tâm thần nhập viện 1 tháng bằng cả năm - 1


 
Mỗi ngày khoảng 400 lượt người tới khám tại bệnh viện Tâm thần

Đa dạng thành phần nhập viện

 

Trong khu vực điều trị nội trú, một bệnh nhân chỉ mặc trên mình chiếc quần cụt ngủn với đầu tóc bù xù, đôi mắt đờ đẫn, liên tục lượn đi lượn lại. Vừa đi anh ta vừa lầm bầm chửi rủa về việc “mấy thằng khốn nạn” đã ăn cướp hết tiền của mình. Được một hồi, người bệnh lại ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch rồi hùng hồn tuyên bố mình là người giàu nhất Việt Nam… Hỏi ra mới biết, bệnh nhân là T.V.M (39 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh). Anh M đã phải nhập viện với chứng tâm thần phân liệt sau khi đổ nợ vì thua chứng khoán.

 

Tại khu vực khám bệnh, chị L.T.H với vẻ mặt buồn rầu ngồi cạnh con gái là N.H.T.G đang học lớp 11 ở tỉnh Long An. Chị cho biết từ khi học cấp 2 đến hết năm lớp 10, G. luôn đạt danh hiệu học sinh khá giỏi. Vì muốn con thi vào trường điểm nên vợ chồng chị luôn động viên con học “hết công suất”. Kết quả em đã bị “tẩu hỏa nhập ma”, rơi vào trạng thái hoảng loạn; mỗi khi ngồi vào bàn học là khóc rưng rức, bỏ ăn, mất ngủ, học hành tuột dốc. Chị đang phải đưa con đến bệnh viện để bác sĩ điều trị và cắt thuốc theo định kỳ.  

 

Theo sự phân tích của các bác sĩ thì có nhiều nguyên nhân khiến con người mắc phải các chứng bệnh tâm thần. Song, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này là sự phát triển mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cùng với sự gia tăng nhanh chóng về dân số đã kéo theo sự phân hóa về giàu nghèo, gây nên những áp lực khác nhau về tâm lý xã hội. Con người trong cuộc “chạy đua” đó dễ rơi vào trạng thái rối loạn, stress.

Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân như: di chứng tâm thần do tai nạn giao thông, chiến tranh và ô nhiễm môi trường cùng các rối loạn khác (chậm phát triển tâm thần do di chứng viêm não hay viêm màng não, sa sút tâm thần sau tai biến mạch máu não do huyết áp cao,...). Thời tiết nắng nóng kéo dài cũng là một trong những yếu tố đưa con người đến trạng thái căng thẳng, rối loạn về tâm lý.

 

Quá tải

 

Bệnh nhân tâm thần nhập viện 1 tháng bằng cả năm - 2

Các phòng bệnh nội trú đều quá tải

Tính riêng năm 2009, BV đã phải tiếp nhận tới 12.000 ca bệnh mới. Cơ cấu giường bệnh điều trị nội trú cho bệnh nhân là 300 người, nhưng hiện nay, con số thực tế đã lên đến hơn 400 người. Trung tâm điều dưỡng người tâm thần tại quận Thủ Đức cũng đã quá tải. Với thiết kế chỉ khoảng 1.000 bệnh nhân nội trú, nhưng đến nay trung tâm đang phải chăm sóc cho gần 1.300 người. Nhưng đầu năm nay (2010), tính trung bình mỗi ngày đã có trên 400 lượt người tới khám.

 

Theo một số liệu thống kê của BVTT cho thấy, trong 7 triệu người thì số người có thể mắc phải các chứng rối loạn tâm thần thường gặp như sau: 70.000 tâm thần phân liệt, 35.000 động kinh, 63.000 chậm phát triển tâm thần, 28.392 sa sút tâm thần, 665.000 trầm cảm, 427.000 có các rối loạn lo âu, 119.000 lạm dụng hay lệ thuộc rượu … và nhiều loại bệnh lý tâm thần khác từ nhẹ đến nặng.

Lý giải về tình trạng bệnh nhân tăng lên bất thường trong thời gian vừa qua, BS Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc BVTT cho biết: “Có nhiều yếu tố như chế độ Bảo hiểm y tế từ đầu năm 2010 có nhiều nét mới, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn chỉ phải chi trả một phần nhỏ kinh phí khám và chữa trị. Bên cạnh đó là yếu tố tâm lý muốn đưa người nhà mình lên tuyến trên để có điều kiện chữa trị tốt hơn. Nền kinh tế và đời sống xã hội với những cơn “bão giá” và “bão tình” khiến nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng, mất thăng bằng về mặt tâm lý dẫn tới stress. Tỉ lệ người bệnh phải nhập viện do bệnh tình tái đi tái lại cũng ở mức cao”…

 

BS Phạm Văn Trụ cũng khuyến cáo, để giảm bớt tình trạng nêu trên, mỗi người cần phải biết “điều hòa” nhịp sống của mình một cách ổn định, không nên làm việc quá sức và suy nghĩ quá nhiều để tránh tình trạng căng thẳng dễ dẫn đến rối loạn tâm lý. Với những người từng mắc bệnh và đã trải qua điều trị, gia đình - xã hội cần tạo môi trường thuận lợi để giúp người bệnh tái thích ứng, tái hòa nhập cộng đồng.

 

Vân Sơn